Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 03:22:29

“Đánh điểm, diệt viện” trong Chiến dịch Biên giới

Ngày đăng: 02/07/2018

QK2 – Nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng một phần vùng biên giới Việt – Trung, mở rộng Căn cứ địa Việt Bắc, khai thông quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, ngày 7-7-1950, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội ta mở Chiến dịch Biên Giới (mật danh là Chiến dịch Lê Hồng Phong 2). Đây là cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch, trong đó với ta nổi bật là nghệ thuật chỉ đạo chọn mục tiêu và tập trung “đánh điểm, diệt viện”.

Tiểu đoàn Pháo binh 253 (Trung đoàn 174) tham gia Chiến dịch Biên Giới năm 1950. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở phân tích tình hình lực lượng và thế phòng thủ của địch, Bộ Chỉ huy chiến dịch xây dựng phương án tác chiến đánh Đông Khê để mở màn chiến dịch. Chọn Đông Khê làm mục tiêu trận mở đầu, cũng là trận then chốt mở màn chiến dịch là một quyết định sáng suốt, táo bạo của ta, bởi Đông Khê là mắt xích quan trọng nối liền với thị xã Cao Bằng và thị trấn Thất Khê. Nếu mất Đông Khê, tuyến phòng thủ Đường số 4 sẽ bị chia cắt, thị xã Cao Bằng trở nên cô lập, buộc địch phải đưa quân đến ứng cứu Đông Khê, hoặc đón quân từ Cao Bằng rút về hỗ trợ. Như vậy, việc ta chọn Đông Khê, nơi địch “tương đối yếu, nhưng lại hiểm yếu”, vừa bảo đảm đánh chắc thắng trận mở đầu, vừa tạo điều kiện thuận lợi để đánh quân cứu viện, kéo hẳn địch ra khỏi công sự để tiêu diệt.

Tổng số lực lượng tham gia chiến dịch tương đương hai đại đoàn, được phân chia làm ba mặt trận: Mặt trận Đông Khê đánh cụm cứ điểm Đông Khê và quân dù có thể nhảy xuống quanh Đông Khê, lực lượng tham gia là Trung đoàn 174 (được tăng cường 2 tiểu đoàn), Trung đoàn 209, Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308), Tiểu đoàn pháo 75mm thiếu. Mặt trận đánh quân ứng chiếm do Đại đoàn 308 đảm nhiệm, bố trí ở đoạn đường giữa Đông Khê – Thất Khê. Mặt trận Na Sầm – Lạng Sơn gồm các Tiểu đoàn 428 của Liên khu Việt Bắc, Tiểu đoàn 888 Lạng Sơn có nhiệm vụ phá đường, tiêu hao, quấy rối, phục kích địch trên đoạn đường Thất Khê – Lạng Sơn.

Chiến dịch Biên Giới thực tế diễn ra ba đợt: Đợt 1, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 9 năm 1950: Ta tập trung lực lượng đánh trận then chốt tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Khê. Đợt hai, từ ngày 21 đến ngày 29 tháng 9 năm 1950: Tiến hành trận then chốt quyết định tiêu diệt hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông. Đợt ba, từ ngày 9 đến ngày 14 tháng 10 năm 1950: Địch ở Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn rút chạy, ta truy kích địch giải phóng Thất Khê, Na Sầm.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã tạo nên một bước ngoặt chiến lược quan trọng, làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta sang một giai đoạn mới, giai đoạn ta hoàn toàn nắm quyền chủ động tiến công chiến lược. Đồng thời, để lại kinh nghiệm quý về nghệ thuật lựa chọn mục tiêu của trận then chốt mở đầu chiến dịch tiến công, là cơ sở để ta tiếp tục vận dụng sáng tạo vào các chiến dịch tiếp theo mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

DUY QUANG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.