Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:23:13

Đại tướng Lê Đức Anh với các nhà khoa học quân sự

Ngày đăng: 03/05/2019

Tháng 10-1995, nhân kỷ niệm 35 năm thành lập (12-10-1960 / 12-10-1995), Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS) tổ chức hội nghị khoa học và lễ kỷ niệm. Thật vinh dự đối với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ nghiên cứu của viện được đón Chủ tịch nước Lê Đức Anh đến dự và nói chuyện với hội nghị.

Chủ tịch nước đã khái quát trách nhiệm của Viện KTQS đối với sự nghiệp xây dựng quân đội từng bước hiện đại; căn dặn những công việc thiết thực cần nghiên cứu phục vụ trước mắt nhu cầu của quân đội và đất nước. Là người được Ban giám đốc viện phân công giới thiệu với Chủ tịch nước tham quan các kết quả nghiên cứu của Viện KTQS, tôi thật ấn tượng với cách quan sát, quan tâm về các hiện vật và nhận xét của Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Thật khó quên thời điểm tôi giới thiệu với Chủ tịch nước về sản phẩm thiết bị lọc nước biển. Đây là sản phẩm nghiên cứu của nhóm cán bộ Viện Kỹ thuật vũ khí (Viện Tên lửa ngày nay), nhằm phục vụ kịp thời nhu cầu cấp bách về nước cho bộ đội Trường Sa. Hôm đưa ra trưng bày, sản phẩm mới vào giai đoạn thử nghiệm, chưa trải qua phân tích lý hóa cuối cùng và nước thành phẩm, dù trước đó anh em trong đề tài đã thử uống nhiều lần. Sau khi nghe trình bày, Chủ tịch nước Lê Đức Anh hỏi “Có uống ngay được chưa?”. Đồng chí Nguyễn Văn Đệ, Anh hùng LLVT nhân dân, chuyên viên của viện trả lời: “Dạ được ạ!”. Chủ tịch nước Lê Đức Anh đề nghị: “Vậy ta cùng thử nhé!”. Ba cốc nước từ vòi lọc thiết bị được Chủ tịch nước Lê Đức Anh cùng anh hùng Nguyễn Văn Đệ và tôi uống tại chỗ trong tình cảm chân thành, gần gũi. Sau này nghĩ lại, tôi thấy khi ấy không nên để Chủ tịch nước uống nước tại chỗ như vậy, song lại nghĩ “Chủ tịch nước cũng đã từng là lính chiến dài lâu mà”. Một năm sau đó, cùng một số kết quả nhiệm vụ khác như truyền hình từ xa, điện thoại… máy lọc nước biển đã được đem ra Trường Sa phục vụ thử nghiệm. Mùa hè năm 1996, đoàn cán bộ của viện gồm có tôi-Phó viện trưởng, cùng lãnh đạo, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị của viện trực tiếp ra Trường Sa mang theo các sản phẩm của viện. Chuyến công tác đó mang lại nhiều ý nghĩa cho tư duy nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự.

Đại tướng Lê Đức Anh với lãnh đạo, chỉ huy và các nhà khoa học Viện Kỹ thuật quân sự. Ảnh do tác giả cung cấp.

Đại tướng Lê Đức Anh trên các cương vị công tác, tuy công việc rất bận, song rất quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học KTQS và Viện KTQS. Khi làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu khoa học-kỹ thuật (KHKT) quân sự. Năm 1987, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định 388, điều chuyển nguyên trạng Viện KTQS từ Tổng cục Kỹ thuật về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Sự quan tâm của Nhà nước và thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã tạo điều kiện để viện giữ vững và phát triển trở thành cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu của quân đội và đất nước.

Sau này, trên cương vị công tác của mình, tôi đã không ít lần được xin ý kiến trực tiếp Đại tướng Lê Đức Anh, thậm chí còn được đàm đạo những nội dung có giá trị đối với đổi mới tư duy của viện trong việc nghiên cứu và chỉ đạo, điều hành lĩnh vực nghiên cứu khoa học và KTQS. Còn nhớ có một lần xin ý kiến Đại tướng tại nhà công vụ số 5 Hoàng Diệu, Đại tướng nhắc lại: “Năm 1988, khi tôi xuống thăm viện thấy các đồng chí đông người mà việc lại không nhiều, tôi đã góp ý cùng các đồng chí…”. Bằng sự quan tâm và trách nhiệm của mình, Đại tướng Lê Đức Anh đã cho ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện để Viện KTQS nghiên cứu phát triển và ứng dụng các kết quả nghiên cứu KHKT quân sự. Nhờ đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập 3 Liên hiệp Khoa học sản xuất 1, 2, 3 thuộc Bộ Quốc phòng để tạo điều kiện huy động lực lượng cán bộ khoa học KTQS tham gia vào phát triển KHKT quốc gia. Ngày 10-9-1999, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Trung tâm KHKT và Công nghệ quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng, trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại Viện KTQS và các viện kỹ thuật, trung tâm nghiên cứu khác thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Đến năm 2008, Trung tâm KHKT và Công nghệ quân sự đổi tên thành Viện Khoa học và Công nghệ quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng. Các Liên hiệp Khoa học sản xuất 1, 2, 3 đều đã đổi tên hoặc sáp nhập nhiệm vụ vào các viện nghiên cứu của Trung tâm KHKT và Công nghệ quân sự.

Gần 1/4 thế kỷ kể từ những ngày đầu được tiếp cận và nghe chỉ đạo, đặt nhiệm vụ, động viên trong lĩnh vực khoa học-công nghệ quân sự của Đại tướng Lê Đức Anh, đã để lại cho bản thân tôi không chỉ ấn tượng về phong cách, mà còn trong cả phép tư duy toàn diện, sâu rộng của đồng chí.

Nhớ năm 2000, tôi thay mặt Ban giám đốc Trung tâm KHKT và Công nghệ quân sự (nay là Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) chúc thọ Đại tướng Lê Đức Anh bằng lẵng hoa 80 bông hồng đỏ với lời chúc Đại tướng "bách niên hoa đỏ”! Bây giờ, Đại tướng đã về với cõi vĩnh hằng. Kính chúc Đại tướng thanh thản ngàn thu.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.