Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 08:41:22

Đài quan sát chiến trường lòng chảo Mường Thanh

Ngày đăng: 06/05/2020

QK2 – Năm 1954, Pháp đổ quân cùng một lượng vũ khí lớn lập thành Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ án ngữ miền Tây Bắc và kiểm soát liên thông với Thượng Lào. Lòng chảo Mường Thanh bằng phẳng phì nhiêu trở thành cứ điểm quân sự mang trong mình nhiều loại chiến cụ tối tân. Tướng Navarre từng tự hào rằng, Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, là “cỗ máy nghiền nát mọi cuộc tấn công của Việt Minh”.

Tượng đài chiến thắng tại Công viên Mường Phăng.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) được chọn để xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch nằm trong khu rừng già dưới chân dãy núi Pú Đồn. Tại đây, cơ quan đầu não của quân đội ta đã "đóng chốt" 105 ngày (từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954), đây là địa điểm thứ 3 và là địa điểm cuối cùng cho đến khi chiến dịch kết thúc, chiến thắng. Chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những quyết sách, đường lối quyết định để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chỉ trong vòng 56 ngày đêm với tinh thần quyết chiến quyết thắng, sự ngạo mạn của quân viễn chinh Pháp đã tan biến cùng tập đoàn cứ điểm hùng hậu trước sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc ta. Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tung bay trên nóc hầm tướng De Castries.

Từ sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, đỉnh núi Pú Huốt đã trở thành di tích lịch sử vô giá. Tại đỉnh núi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt Đài quan sát để theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến chiến trường lòng chảo Mường Thanh.

Theo nghĩa tiếng Thái, Pú Huốt nghĩa khác là "Sừng Trời", thuộc dãy núi Pú Đồn, đỉnh Pú Huốt cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Trong 3 đỉnh núi nằm liền kề nhau, nối với nhau bằng những vùng "yên ngựa" và các "sống khủng long" kỳ vĩ kéo dài cả km thì đỉnh cao nhất là đỉnh Pú Tó Cọ, xếp thứ hai là đỉnh núi thuộc địa phận xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông), đỉnh Pú Huốt với độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển xếp thứ 3. Dãy núi “sống khủng long” nối đỉnh Pú Huốt với đỉnh núi thuộc địa phận xã Pú Nhi là kỳ vĩ và hiểm trở nhất: Lối đi nhỏ, dốc, mạn phía Nam là vực sâu thăm thẳm. Từ đỉnh Pú Tó Cọ, đỉnh núi thuộc địa phận xã Pú Nhi và đỉnh Pú Huốt có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thung lũng Mường Phăng (huyện Điện Biên), địa phận xã Pú Nhi (huyện Điện Biên Đông) và cả hồ thủy lợi Nậm Ngám dung tích hữu ích 5,4 triệu m3 nước “treo” mình trên cao.

Ngày nay, những vết tích của Trạm quan sát trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã bị phủ lấp bởi cây cỏ, lau sậy, song cùng với thung lũng Mường Thanh, những kí ức hùng tráng và những chứng tích lịch sử vẫn còn lưu giữ mãi nơi đây.

VŨ HƯƠNG (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.