Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 06:31:31

Đại biểu Quân đội cùng Quốc hội gánh vác việc non sông

Ngày đăng: 23/12/2015

Quốc hội Việt Nam khóa I được bầu ra sau khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thành công vào ngày 6-1-1946. Kể từ đó đến nay, trải qua 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ, đóng góp tích cực của lực lượng Quân đội nhân dân thông qua các đại biểu quân đội.

Từ những ngày đầu có Quốc hội

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22-12-1944. Không chỉ góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và trưởng thành của quân đội, “người anh Cả” của quân đội còn tích cực tham gia các hoạt động để hình thành, xây dựng, củng cố và bảo vệ bộ máy chính quyền cách mạng non trẻ trong những ngày “sóng to gió cả”. Trong đó, Đại hội đại biểu quốc dân (sau này gọi là Quốc dân Đại hội Tân Trào) và Tổng tuyển cử là những sự kiện mà “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có đóng góp không nhỏ.

Tháng 8-1945, cao trào chống Nhật nổi lên cuồn cuộn khắp nơi. Người dân cả nước đang trông ngóng một Chính phủ đại diện cho phong trào cách mạng cứu nước trên toàn quốc được thành lập. Đó thực sự là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để hình thành bộ máy chính quyền cách mạng. Do vậy, Bác Hồ có chỉ thị gấp rút triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân. Những hạt nhân ưu tú trong phong trào cách mạng đều được huy động chuẩn bị cho sự kiện ấy, trong đó có đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Các đại biểu Quốc hội trong và ngoài quân đội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2012). Ảnh: Hùng Lê

Các đại biểu Quốc hội trong và ngoài quân đội tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII (tháng 11-2012). Ảnh: Hùng Lê

Nhận được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, sáng 15-8-1945, Bác Hồ và Tổng bộ Việt Minh quyết định khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân vào chiều 16-8, dẫu các đại biểu vẫn chưa có mặt đông đủ. Việc tổ chức Đại hội đại biểu quốc dân cũng rất ngắn gọn, nhanh chóng, để các đại biểu kịp mang lệnh khởi nghĩa về các địa phương. Đó là tiền đề quan trọng để cả nước làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám long trời, lở đất, giành chính quyền về tay nhân dân. Đại hội cũng đã thành lập Chính phủ lâm thời điều hành công việc của đất nước cho đến ngày Quốc hội chính thức bầu ra Chính phủ mới. “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam được Đại hội đại biểu quốc dân bầu làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời. Sau đó, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I, ngày 6-1-1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Nghệ An, được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Cũng từ Quốc hội khóa I, ngoài “người anh Cả” Võ Nguyên Giáp, lực lượng quân đội đã đóng góp cho cơ quan đại biểu dân cử cao nhất của cả nước nhiều vị đại biểu có tâm, có tầm. Những vị đại biểu từ lực lượng quân đội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho các công việc lập Hiến, lập pháp, hoàn thiện bộ máy Nhà nước cho đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thậm chí quyết định sự tồn vong của nền độc lập và chính quyền nhân dân non trẻ. Điển hình trong số đó là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Khi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Quảng Bình, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là Chủ nhiệm Việt Minh, kiêm Chỉ huy trưởng Bộ đội Quảng Bình.

70 năm đồng hành cùng Quốc hội

Kể từ Quốc hội khóa I đến nay, Quốc hội Việt Nam luôn có những đại biểu là Bộ đội Cụ Hồ.

Trong hàng ngũ đại biểu Quốc hội các khóa đầu tiên, có những cái tên lẫy lừng trong lịch sử quân sự Việt Nam. Đó là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; Đại tướng Văn Tiến Dũng; Đại tướng Chu Huy Mân; “cha đẻ” của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Trưởng phòng Thông tin liên lạc đầu tiên của Bộ Tổng tham mưu Hoàng Đạo Thúy; một trong 34 đội viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Đại tướng Hoàng Văn Thái; và nhiều tướng lĩnh nổi tiếng khác như: Đại tướng Nguyễn Quyết, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Lê Đức Anh, Đại tướng Đoàn Khuê…

Những vị đại biểu Quốc hội là sĩ quan cao cấp trong quân đội đã từng hoàn thành tốt cả “hai vai trọng trách”, chỉ huy lực lượng quân đội đánh tan thù trong, giặc ngoài, đồng thời là người đại biểu của nhân dân trong cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất trong các khóa Quốc hội thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Từ Quốc hội khóa IV (nhiệm kỳ 1976-1981) – Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất, các đại biểu quân đội cũng luôn nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri và nhân dân cả nước.

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, tại Quốc hội khóa XIII, hơn 40 đại biểu Quốc hội là sĩ quan, nguyên là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã nỗ lực hết mình đóng góp công sức, trí tuệ cùng Quốc hội thực hiện tốt các chức năng lập Hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Thực tiễn hoạt động cho thấy, không chỉ đóng góp ý kiến mang tính chuyên môn sâu sắc ở những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, đặc biệt là các đạo luật liên quan đến quân đội được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các đại biểu Quốc hội đã và đang công tác trong quân đội còn đóng góp rất nhiều ý kiến có chất lượng cao vào các vấn đề, lĩnh vực của đất nước, được cử tri cùng nhân dân đánh giá cao. Các đại biểu Quân đội cũng có những đóng góp quan trọng để đại biểu Quốc hội, Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước hiểu rõ hơn về đường lối quân sự, đường lối đối ngoại quân sự của nước ta, giúp cử tri và nhân dân yên tâm, tạo sự đồng thuận về chính sách quân sự cũng như quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.

Có thể nói, trí lực mà Quân đội nhân dân đóng góp cho Quốc hội là một phần quan trọng làm nên sự thành công của cơ quan đại biểu nhân dân tối cao. Nói cách khác, từ Quốc hội khóa I đến nay, các đại biểu Quốc hội là quân nhân đã chung vai cùng Quốc hội gánh vác việc non sông, mang lại thành quả cách mạng và đáp ứng được niềm tin yêu của cử tri, nhân dân cả nước. Màu áo xanh của Bộ đội Cụ Hồ đang miệt mài hòa lẫn với vườn hoa đầy màu sắc của đất nước, phấn đấu vì một đất nước Việt Nam thanh bình, phát triển và hội nhập cùng bè bạn năm châu…

(Theo CHIẾN THẮNG – QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.