Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 05:53:13

Đặc sắc ngày hội văn hóa vùng Tây Bắc

Ngày đăng: 02/10/2016

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII năm 2016 khai mạc tối 1-10, tại tỉnh Lào Cai đã đánh dấu sự khởi đầu cho các hoạt động của Năm du lịch quốc gia Lào Cai – Tây Bắc – 2017. Đây cũng là dịp khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong cộng đồng, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

Hội tụ tinh hoa văn hóa vùng Tây Bắc

Tối qua (1-10), đồng bào các dân tộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc có mặt tại Quảng trường Nam Cường, tỉnh Lào Cai để tham gia ngày hội lớn với đêm nghệ thuật có chủ đề “Các dân tộc vùng Tây Bắc đoàn kết và phát triển – hướng tới Năm du lịch quốc gia 2017”. Đến dự và chung vui với đồng bào các dân tộc Tây Bắc có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Phát biểu khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, nhấn mạnh: Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của văn hóa Việt Nam. Việc gìn giữ bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc có ý nghĩa chính trị-xã hội to lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Các hoạt động trong khuôn khổ của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIII  là sự hội tụ, tỏa sáng về nét đẹp của các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc.

Chương trình nghệ thuật “Tây Bắc nối những vòng tay” khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc năm 2016. 

Chương trình nghệ thuật “Tây Bắc nối những vòng tay” khai mạc Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc năm 2016.

Kéo co, môn thể thao truyền thống trong ngày hội. 

Kéo co, môn thể thao truyền thống trong ngày hội.

Đã thành thông lệ, 3 năm một lần, đồng bào các dân tộc Tây Bắc lại tưng bừng mở hội. Năm nay, ngay từ sáng sớm ngày đầu tháng 10, dọc đại lộ Trần Hưng Đạo, nơi cửa ngõ thành phố Lào Cai, âm hưởng của sắc màu vùng cao đã hiện hữu rực rỡ hơn bao giờ hết. Xuyên suốt từ Quảng trường Nam Cường đến trung tâm triển lãm, nhà thi đấu đa năng, bảo tàng, thư viện… là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao mang đậm bản sắc dân tộc diễn ra sôi nổi. Phía bên này, các đội đang thi kéo co, bên kia là các thanh niên trổ tài bắn nỏ, một bên sân các chàng trai đang múa khèn, tấu sáo; trên sân khấu nhỏ, các nghệ nhân say sưa biểu diễn cồng chiêng,… Tất cả những thanh âm của tiếng khèn, tiếng sáo, tiềng cồng chiêng, những sắc màu của khăn piêu, áo cóm, váy hoa… hòa trộn vào nhau tạo nên một bức tranh đa sắc màu giữa núi rừng Tây Bắc.

Mang nét đẹp truyền thống nghệ thuật cồng chiêng từ Hòa Bình lên với ngày hội, nghệ nhân Bùi Tiến Xô chia sẻ: “Được mang những đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc mình đến với ngày hội để giới thiệu, giao lưu, tôi vui lắm! Từ đây sẽ có thêm nhiều người biết đến nghệ thuật cồng chiêng truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, tỉnh Hòa Bình. Cũng qua ngày hội, chúng tôi biết nhiều hơn về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc khác”.

Nói về ý nghĩa của ngày hội, trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hữu Thể, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng ban Tổ chức ngày hội, cho biết: Điểm nổi bật của ngày hội năm nay là sự kết nối các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tại cùng một không gian địa điểm (khu vực Quảng trường và Nhà văn hóa, Nhà thi đấu tỉnh Lào Cai). Điều đó sẽ tăng cường sự giao lưu, đoàn kết giữa các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của 8 tỉnh.

Cơ hội kết nối phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Tây Bắc là cái nôi của văn hóa các dân tộc Mông, Thái, Mường… Đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc là chủ thể sáng tạo và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và giàu bản sắc, góp phần tạo nên một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, các danh thắng vùng cao Tây Bắc như: Sa Pa (Lào Cai); Mù Cang Chải (Yên Bái); Mộc Châu (Sơn La)… đã tạo sức hút riêng cho du khách đến với các tỉnh Tây Bắc. Các phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực… của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc gần như được bảo tồn nguyên vẹn cũng là một trong những yếu tố mà nhiều du khách muốn đến để được cảm nhận và khám phá như: Lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa xòe Thái… Tây Bắc còn là vùng đất giàu giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc. Các điểm đến như: Điện Biên Phủ, Nghĩa Lộ, Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La… được nhiều du khách lựa chọn.

Những tiềm năng đó đã được các địa phương quảng bá trong Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc. Từ năm 2006, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đã xây dựng tuyến du lịch về nguồn dọc sông Hồng. Tiếp nối thành công, năm 2008, tuyến du lịch kết nối 8 tỉnh miền núi phía Bắc, bao gồm 6 tỉnh Tây Bắc và tỉnh Hà Giang, Phú Thọ đã được xây dựng tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch nơi đây. Trong đó, Sa Pa (Lào Cai); Mộc Châu (Sơn La); Điện Biên Phủ (Điện Biên); cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được xác định là những điểm du lịch trọng điểm, tạo nên các đầu mối kết nối du lịch trên địa bàn Tây Bắc. Nhờ những cách làm sáng tạo và những thuận lợi về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, trong những năm gần đây, du lịch khu vực Tây Bắc đã có những bước đột phá. Năm 2015, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh Lào Cai đạt gần 2 triệu, Hòa Bình hơn 2,5 triệu lượt, Sơn La đón 1,6 triệu lượt…

Với sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, thông qua những hoạt động lớn như Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức định kỳ, các địa phương đã có sự gắn kết ngày càng chặt chẽ trong phát triển du lịch. Bà Nguyễn Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết: Thông qua ngày hội không chỉ là dịp nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, mà còn là dịp để quảng bá văn hóa vùng cao và những điểm nhấn trong gắn kết du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc.

Cũng trong ngày hội, tỉnh Lào Cai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung đã đón nhận niềm vui khi Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Từ những tiền đề quan trọng đó, giai đoạn 2015 – 2020, khi Đề án số 8 về “Phát triển văn hóa, thể thao tỉnh Lào Cai” đang được triển khai, tỉnh Lào Cai dự kiến trong năm 2016 sẽ đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, đến năm 2020, đón 4,5 triệu lượt khách.

Những tiềm năng về văn hóa, du lịch kết hợp với những chính sách thiết thực sẽ trở thành vốn quý để phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc.

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top