Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 08:49:49

Cựu chiến binh nặng lòng với kỷ vật chiến trường

Ngày đăng: 28/04/2020

QK2 – Đến thôn Vân Giang, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc hỏi thăm nhà riêng của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Đổng, nhiều người dân trong làng đều nhiệt tình chỉ giúp. Thấy chúng tôi bỡ ngỡ có bác đi làm đồng về, áo còn ướt mồ hôi mà vẫn tình nguyện đạp xe dẫn tôi đến tận nhà. Cử chỉ tuy nhỏ nhưng đã cho thấy người dân nơi đây yêu quý và dành cho CCB Nguyễn Văn Đổng tình cảm đến nhường nào.

CCB Nguyễn Văn Đổng và vợ bên gian trưng bày kỷ vật chiến trường tại gia đình.

Một ngôi nhà cấp bốn đã cũ nằm sâu trong ngõ, nhưng rất ngăn nắp sạch sẽ. Bước vào nhà chúng tôi như lạc vào không gian của một bảo tàng nào đó. Hàng trăm kỷ vật chiến trường (Mũ cối, bình tông, cặp lồng, bát sắt, mũ sắt, đài ra-đi-ô, đèn dầu làm từ vỏ đạn, áo chấn thủ, ba nô, danh sách liệt sĩ, tem thư thời chiến, phiếu cấp thịt, đường, sữa từ thời còn bao cấp …) được xếp ngay ngắn trên giá treo kín hai gian nhà và tủ. Chủ nhân sưu tầm những kỷ vật trên là CCB Nguyễn Văn Đổng, 73 tuổi, đã rời quân ngũ 42 năm, với thương tật mất 51% sức khỏe, nhưng bác vẫn nhớ như in các trận đánh đã từng tham gia, nhớ tên, tuổi, quê quán từng đồng đội cũ. Nhất là đối với hơn 400 kỷ vật chiến trường thì ông có thể phân tích, giảng giải nguồn gốc xuất sứ.

Qua lời kể thì cuộc đời quân ngũ gian khổ và khốc liệt của ông dần hiện lên, với những kỷ niệm khó phai mờ. Chính những vật dụng sinh hoạt của người lính trong chiến trường đã che chở, nuôi dưỡng, giúp đỡ ông vượt qua những lúc nguy kịch, khó khăn nhất. Nên ngay từ khi còn là người lính thì ông đã say mê, yêu thích những kỷ vật chiến trường.

Ngày 18/6/1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Đổng cùng hơn chục người trong xã nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện tân binh được điều đi chiến trường B chiến đấu. Chiếc ba nô, bình tông, mũ cối, tăng võng, bát sắt… như là người bạn tâm giao đã theo ông tham gia hết trận chiến này đến chiến dịch khác. Ngày 28/8/1969, trong trận đánh tập kích tại sân bay Đức Hòa (tỉnh Long An), Nguyễn Văn Đổng đã bị thương nặng, phải đưa về tuyến sau điều trị. Sau hơn 2 năm chữa trị tại nhiều bệnh xá, bệnh viện, đến tháng 11 năm 1971, ông được đơn vị cho nghỉ phục viên. Khi về gia đình, ông không quên đem theo toàn bộ quân tư trang và một số vật dụng mà ông yêu thích. Về nhà, sức khỏe còn yếu nên ông chẳng giúp được việc gì cho vợ con, chỉ quanh quẩn với những việc vặt trong gia đình. Khi sức khỏe dần hồi phục, ông đã cùng các con làm thêm nghề mộc – một nghề truyền thống của làng Vân Giang. Tuy làm nghề nhưng tình yêu những kỷ vật chiến trường trong ông luôn âm ỉ cháy. Ông lặng lẽ sưu tầm, cất giữ những kỷ vật. Hễ nghe thấy đồng đội cũ có là ông liền đạp xe đến, nếu rộng lượng thì ông xin, bằng không ông hỏi mua lại. Khi mới nảy ra ý tưởng sưu tầm những kỷ vật chiến trường, các thành viên trong gia đình đều không tán thành. Còn người làng biết chuyện có người cho là ông “gàn dở”. Vì thế khi thu gom có được kỷ vật nào ông liền đúc vào bao tải cất giữ trong buồng. Hàng tháng, nhận được đồng trợ cấp thương binh ít ỏi ông dành hết vào việc đi lại, thu mua các kỷ vật. Khi nghe thấy có tin báo ở đâu có kỷ vật mà ông cần là ông liền đi. Gần thì đạp xe, xa thì xe máy, hoặc đi xe ô tô khách. Các xã, thị trấn trong tỉnh ông Đổng đã đến cả. Xa hơn thì Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hòa Bình… Ông đi đến đâu cũng được đồng đội cũ tiếp đón nhiệt tình. Như con kiến tha mồi lâu ngày đầy tổ, các loại kỷ vật chiến trường trong nhà ông cứ ngày một nhiều lên. Có đồng đội biết ý tưởng và tấm lòng của ông liền đem tặng lại kỷ vật mà đã giữ gìn suốt mấy chục năm ròng.

CCB Ngô Xuân Huấn, nguyên là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, hiện ở xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc là một ví dụ. Ông Tiến giữ gìn lá cờ giải phóng miền Nam đã 40 năm. Lá cờ được gọi là lá cờ giữ đất, do hai em thiếu nhi may bằng tay ngày 28/1/1973 tại Bến Lức, Long An. Biết tin ông Đổng sưu tầm kỷ vật chiến trường để trưng bày ông liền đem tặng lại.

Đến cuối năm 2013, ông Đổng viết đơn đề nghị UBND xã Lý Nhân cho phép ông mở phòng trưng bày kỷ vật chiến trường tại nhà riêng. Chính quyền và cơ quan chức năng cấp trên đã vào tận nhà kiểm tra các loại kỷ vật. Cán bộ địa phương ai nấy đều bất ngờ, thán phục cái tâm yêu mến các kỷ vật chiến trường của ông và vui vẻ đồng ý. Ngày ra mắt ông cho dựng rạp, làm cơm mời đồng đội và người dân trong làng. Từ khi khai trương, gian trưng bày kỷ vật chiến trường nhiều đồng đội cũ qua các thời kỳ chiến tranh nhiều người đã tự nguyện đem tặng lại ông kỷ vật. Nhưng cũng có người tưởng ông kinh doanh liền đến hỏi mua một vài thứ. Cá biệt có người ở Hà Nội còn đến đặt vấn đề mua lại toàn bộ kỷ vật trong nhà ông với giá rất cao, nhưng ông Đổng không bán. Ông nâng lưu giữ gìn những kỷ vật. Được cái  vợ và 5 người con từ khi hiểu được niềm đam mê của ông, thấy rõ giá trị của những kỷ vật chiến trường nên đã sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ ông. Hàng ngày gian trưng bày của ông thu hút nhiều CCB đến thăm. Vì thế ông rất vui và khỏe lên nhiều.

Ông Trần Quốc Huy, Trưởng thôn Vân Giang tự hào “khoe” với chúng tôi: Gia đình bác Đổng là một gia đình văn hóa tiêu biểu của thôn. Bác ấy là một CCB gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động của hội. Từ khi bác ấy mở gian trưng bày kỷ vật chiến trường, thôn Vân Giang được tiếp đón nhiều đoàn CCB, báo, đài. Người dân trong thôn ai cũng cảm thấy vui lây.

Cùng chung với tâm trạng phấn khởi đó, anh Nguyễn Xuân Toàn, Bí thư Đoàn xã Lý Nhân cho biết: Gian trưng bày kỷ vật chiến trường của bác Đổng sẽ là địa chỉ để giáo dục truyền thống cho học sinh và đoàn viên thanh niên trong xã. Chúng tôi đã tổ chức cho học sinh THCS đến thăm, nghe bác ấy kể chuyện truyền thống.

Chia tay CCB Nguyễn Văn Đổng và thôn Vân Giang ra về mà bao câu chuyện và những kỷ vật chiến trường cứ vần vũ, bay bổng theo tôi trên từng bánh xe lăn. Chiến tranh đang dần lùi xa hơn, nhưng chính những kỷ vật chiến trường này sẽ nhắc nhở mỗi người hãy trân trọng giá trị của độc lập tự do.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.