Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 05:37:29

Cụm di tích Đồn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm

Ngày đăng: 07/06/2020

QK2 – Cụm di tích lịch sử: Đồn Đại Phác, xã Đại Phác; Đồn Đại Bục, xã An Thịnh; Đồn Gióm, xã Đông An (Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) là địa điểm chiến sự quân sự, nơi mở màn Chiến dịch sông Thao mang hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu “Bác bảo thắng là thắng” đánh dấu bước trưởng thành của chiến thuật quân đội ta trong giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược.

Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử của Cụm di tích.

Năm 1947, Pháp thực hiện âm mưu tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 12/10/1947, quân Pháp tiến công thượng huyện Trấn Yên, lựa chọn địa điểm có lợi, chiếm đóng 3 Đồn Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm nhằm án ngữ hành lang phía Tây tấn công sang Việt Bắc. Đồng thời chúng lập chính quyền và xây dựng chính quyền bù nhìn phản động. Từ cuối 1947 đến tháng 5/1948, quân Pháp xây dựng đồn bốt, khống chế các khu vực trọng yếu, thường xuyên tổ chức càn quét, lùng sục, tìm bắt cán bộ ta và vơ vét của cải, lương thực của dân, củng cố nguỵ quân, nguỵ quyền, ra sức dồn dân bắt lính, không ngừng củng cố hệ thống đồn bốt.

Về phía ta, từ giữa năm 1948, lực lượng ta ở vùng thượng huyện Trấn Yên và Châu Quế, Phong Dụ, thường xuyên tổ chức huấn luyện và phối hợp chiến đấu. Những trận đánh then chốt ở Đại Bục, Đại Phác và Đồn Gióm có ý nghĩa rất quan trọng đối với bộ đội chủ lực ta. Qua Chiến dịch sông Thao, bộ đội chủ lực ta có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong đánh công kiên, đánh địch trong công sự vững chắc, các đơn vị chủ lực đã nâng cao trình độ kỹ thuật,…

Với Yên Bái, việc tiêu diệt các Đồn Đại Bục, Đại Phác, Đồn Gióm làm cho quân Pháp hoang mang tột độ, tháo chạy khỏi một loạt các đồn bốt bên hữu ngạn ở địa phương. Từ đây, một vùng rộng lớn của thượng huyện Trấn Yên rộng 300 km2 với 3.000 dân được giải phóng, hệ thống chính quyền địch tan rã. Chính quyền cách mạng được củng cố ngày càng vững chắc, từ đây nhiệm vụ chính trị của địa phương đã chuyển sang giai đoạn mới lấy xây dựng hậu phương, huy động sức người sức của cho kháng chiến.

Hiện trạng trong lịch sử thời Pháp chiếm đóng hầu hết các đồn (điểm di tích) được xây dựng trên những điểm cao, có tầm quan sát khá rộng, có ý nghĩa về chiến thuật, thực hiện âm mưu chiếm đóng lâu dài, mang tính chất phòng ngự dã chiến tương đối kiên cố để phòng ta tấn công.

Hơn 70 năm từ khi giải phóng (1949) hiện trạng di tích không còn nguyên vẹn, do thời gian, do tiến công bấy giờ thiêu trụi để diệt quân Pháp, nay chỉ còn nền đồn, giao thông hào nằm trong tán lá cây được nhân dân bảo vệ, gìn giữ với ý nghĩa, nơi đây đã ghi dấu mốc son lịch sử chói lọi của quân và dân ta.

VŨ HƯƠNG (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.