Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:23:17

Công tác chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội và “xây dựng thế trận lòng dân”

Ngày đăng: 06/07/2020

QK2 – Triển khai thực hiện các đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, quyết định của Chính phủ về công tác chính sách hậu phương quân đội là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi điều đó không chỉ khẳng định truyền thống nhân văn, nhân ái, nghĩa tình, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của bao đời truyền lại cho thế hệ hôm nay mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, bản chất của chế độ với những người và gia đình có công với cách mạng.

Bài 1: Khẳng định sự ưu việt của chế độ

Mới đây có dịp tháp tùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu kiểm tra công tác chính sách hậu phương quân đội đối với một số tỉnh trên địa bàn Quân khu do Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chính ủy Quân khu làm trưởng đoàn, chúng tôi mới hiểu thêm phần nào về tầm quan trọng của công tác chính sách hậu phương Quân đội. Đất nước ta đã hòa bình được mấy chục năm nhưng hậu quả của chiến tranh để lại còn rất nặng nề, không làng quê nào là không có thương binh, bệnh binh, nghĩa trang liệt sỹ. Nhiều vùng quê, nhiều gia đình, nhiều mảnh đời đã và đang phải gánh chịu sự tàn phá của bom đạn và chất độc hóa học. Nhiều bà mẹ đã dâng hiến những người con yêu quý nhất của mình cho Tổ quốc trường tồn. Đã có hàng triệu thanh niên từ các làng quê tham gia phục vụ Quân đội, dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong. Trước lúc lên đường họ đâu có tính toán thiệt hơn mà chỉ muốn cống hiến, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Nhưng nhiều người đã hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình trên khắp các chiến trường dọc chiều dài đất nước.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn tặng quà đối tượng chính sách huyện Hạ Hòa, Phú Thọ.

Để tri ân những người có công với cách mạng, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách với thương binh, liệt sỹ cùng những gia đình người có công với cách mạng. Đã có hai pháp lệnh về chính sách đối với thương binh, liệt sỹ: Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng. Ngày 28-4-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg “Về việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa”. Đồng bào ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc cũng đã thể hiện lòng biết ơn với công lao của thương binh, liệt sỹ với nhiều việc làm hiệu quả, thiết thực, tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sỹ, tìm mộ liệt sỹ…; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định như:  47/2002 về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31-12-1960 trở về trước; Quyết định 290/2005 về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước; Quyết định 142/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định 62/2011 về  chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc; Quyết định 1237/2013 về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ…Trước tầm quan trọng của công tác chính sách, Đảng ủy Quân khu đã ban hành Nghị quyết số 81-NQ/ĐU, ngày 20-10-2016 về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với Quân đội, hậu phương quân đội giai đoạn 2016-2020.

Những năm qua, mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, tác động chi phối, song với tấm lòng tri ân và biết ơn sâu sắc các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu đã cụ thể hóa bằng những hành động, việc làm cụ thể. Cùng với đó các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo, giúp đỡ các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tạo thành phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” sâu rộng, ngành ngành, người người, nhà nhà thực hiện tri ân, nhất là vào dịp lễ, Tết, ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7.

Thiếu tướng Trần Ngọc Tuấn luôn trăn trở, suy tư, sâu sát cơ sở và có những chỉ đạo quyết liệt thực hiện công tác chính sách hậu phương Quân đội, với mong muốn mọi chế độ, tiêu chuẩn của Đảng, Nhà nước phải đến được tận tay các đối tượng nhanh nhất, chính xác, đầy đủ và kịp thời. Khi kiểm tra công tác chính sách tại Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, đồng chí Phó Chính ủy Quân khu cho rằng, thực hiện tốt công tác chính sách là khẳng định sự ưu việt của chế độ ta. Tri ân phải bằng những hành động, việc làm cụ thể, thể hiện trọn nghĩa vẹn tình, trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các bậc tiền bối đã cống hiến, hy sinh cho dân tộc. Thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội không chỉ là sự lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp mà còn góp phần đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng “thế trận lòng dân”; thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng và biết ơn thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng.

Thấm nhuần sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu, trong 3 năm qua cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là ngành chính sách từ Quân khu đến các đơn vị cơ sở đã triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác chính sách hậu phương Quân đội. Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành chính sách có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định; có phẩm chất đạo đức trong sáng, làm việc tận tâm, hết lòng vì các đối tượng chính sách.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Bài 2: “Đặt mình vào hoàn cảnh của các đối tượng chính sách”

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.