Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:21:38

Con đường “dân vận”

Ngày đăng: 25/12/2018

QK2 – Cụ Bùi Đức Mai, 78 tuổi ở Khu 3, xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ vốn quê lúa Thái Bình, lên vùng trung du công tác và gần nửa thế kỷ sinh sống, gắn bó với mảnh đất núi rừng vốn khốn khó này. Nhà cụ ở ven đồi, cách con đường tỉnh lộ 70B chỉ hơn cây số. Lâu nay, đường tỉnh lộ thì đã khang trang, thuận tiện, nhưng lối mòn đến nhà cụ Mai thì từ xa xưa, từ ngày cụ Mai còn thanh niên tráng kiện đến đây định cư vẫn chỉ là một lối mòn. Lối mòn nối các xóm, các bản rồi len lỏi vào các tràn ruộng ven đồi, đi lên nương, xuyên sang triền núi Tu Linh. Theo lời bà Đinh Thị Điểm, 53 tuổi ở cùng khu thì người dân trong khu “vì lối mòn, vì đường trơn mà khổ quá! Đi ra ruộng, ra nương mang thóc, thu sắn về nhà là mất nhiều công sức để gánh gồng. Trẻ em đi ra trường ở trung tâm xã, là cả một nỗi lo. Trời nắng thì lầm bụi, còn ngày mưa đi lại như cực hình, người lớn ngại ra ruộng, lên nương, trẻ con sợ đến trường…”

Các lực lượng huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đi khảo sát, làm "con đường dân vận"

Thượng tá Đinh Văn Hội, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Thanh Sơn, tổ phó tổ công tác dân vận trực tiếp cùng tổ đi khảo sát ở Yên Lương thấy được nỗi gian truân, vất vả của người dân. Từ phản ánh về những ám ảnh người dân về con đường mòn ngoằn nghòe như sợi chỉ luồn qua bản, qua núi, xác định các công trình trọng điểm về đề xuất với tổ công tác. Vậy là trong chương trình dân vận năm 2018 của huyện Thanh Sơn, các lực lượng, vật chất tiến hành công tác dân vận tại xã Yên Lương có một nội dung trọng tâm là bê tông hóa con đường chừng 2 km từ Khu 2 sang Khu 3 – Đá Má. Với phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, xi măng và một phần vật liệu khác có “chương trình dân vận” lo; công san gạt, đổ người dân tự nguyện đóng góp. 

Để hoàn thành con đường, các lực lượng trên huyện, xã, bộ đội dân quân của các xã lân cận cũng đến góp công. Người dân trong các Khu 2, Khu 3 ngoài góp công, các gia đình có con đường men theo còn hiến đất làm đường. Cụ Bùi Đức Mai là một trong những người như thế. Để triển khai mở rộng con đường mòn mỏng như sợi chỉ này phải lấn vào đất nhà cụ chừng trên trăm mét vuông, nhiều cây lấy gỗ, cây ăn quả phải chặt hạ. Không những chẳng tiếc đất, tiếc cây, cụ Mai còn xởi lởi với các lực lượng làm đường: Mở rộng nữa, cần bao nhiêu đất, tôi hiến bấy nhiêu. Nếu cần nữa, tôi hiến tiếp.

Những ngày các lực lượng đến lao động, giúp sức làm đường, cụ Mai cũng muốn tham gia một tay mà sức yếu. Cụ đun nước phục vụ bộ đội, dân quân; bảo các con, cháu chặt mía, bẻ ngô, luộc sắn mang ra đầu ngõ cho các chiến sĩ giờ nghỉ giải lao, lại sai con ra vườn dồn gà, xuống ao bắt cá mời bộ đội dùng bữa. “Không có các cấp địa phương, không có bộ đội giúp sức thì không biết đời nào mới có con đường huyền thoại này. Bộ đội là con của dân mà, có cá, có gà không mời bộ đội thì mời ai…” – Cụ Mai chia sẻ trong niềm vui vì có con đường đi chân không lấm đất.

Chỉ trong “tháng dân vận” của chính quyền, quân và dân huyện Thanh Sơn, con đường “dân vận” đến khu Đá Má đã hoàn thành rộng chừng 3 mét, ô tô bon bon về tận ngõ. Người dân ai nấy phấn khởi, gọi đấy là “Con đường dân vận”. Cụ Đinh Thị Thanh, 87 tuổi là một trong những người cao tuổi trong khu, từng đi dân công hỏa tuyến phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ sung sướng quá, bảo: “Giờ gối mỏi, chân chồn nhưng với con đường như thế thì vẫn cố mà chạy được”…

Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.