Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:34:06

Chung tay xóa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Ngày đăng: 28/09/2022

QK2 – Không chỉ là những người xung kích xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế trong vùng dự án trọng điểm huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, các chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 345 còn là tuyên truyền viên tích cực, đẩy lùi nhiều hủ tục, lạc hậu đã ăn sâu bám dễ vào tư tưởng, tâm lý người dân nơi đây. Nhất là vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Địa bàn trong vùng dự án phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng do Đoàn KT-QP 345 quản lý gồm 5 xã là: A Mú Sung, A Lù, Y Tý, Trịnh Tường, Nậm Chạc. Người dân chủ yếu là đồng bào các dân tộc như: Mông, Dao, Hà Nhì…; đời sống kinh tế cũng như kiến thức về văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Do vậy, một số hủ tục, lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của người dân, làm cho nhiều hộ gia đình đã khó khăn lại càng nghèo khó hơn.

Quân y Đoàn KT-QP 345 tuyên truyền, vận động người dân xã A Mú Sung không được kết hôn với người cận huyết thống.

Thôn Nậm Giang 1, xã Nậm Chạc là địa bàn giáp biên giới, thuộc diện đặc biệt khó khăn, đang được hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Thôn có 56 hộ dân thì có đến 42 hộ nghèo, 14 hộ cận nghèo. Điều đáng nói, một nửa số hộ nghèo ở đây đều vướng vào hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, như một vòng luẩn quẩn từ nhiều năm qua. Qua khảo sát, chỉ tính riêng năm 2021 cả thôn có 8 trường hợp tảo hôn và phụ nữ sinh con khi chưa đầy 18 tuổi. Không chỉ thôn Nậm Giang 1 mà một số thôn khác trên địa bàn xã Nậm Chạc cũng luôn là điểm nóng về nạn tảo hôn.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 345 xác định thường xuyên chủ động phối hợp cùng cấp ủy chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động và có biện pháp kiên quyết ngăn chặn vấn nạn tảo hôn. Đoàn đã xây dựng kế hoạch “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn các xã nằm trong vùng dự án giai đoạn 2021 – 2022”; giao trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên thuộc các đội sản xuất phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân tuyên truyền thường xuyên về Luật Hôn nhân và Gia đình; chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; những tác hại khi chưa đủ tuổi đã kết hôn và sinh con, nhất là sự nguy hại của việc kết hôn với người cùng huyết thống; đảm bảo cho cả nam và nữ có đủ điều kiện về sức khỏe và khả năng chăm lo cho cuộc sống gia đình thì mới kết hôn. Nếu kết hôn trước tuổi là vi phạm pháp luật về hôn nhân, gây ảnh hưởng giống nòi về sau này.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Chạc chia sẻ, Đoàn KT-QP 345 đã phối hợp làm rất tốt việc ngăn chặn vấn nạn này. Mỗi chiến sĩ là một tuyên truyền viên tích cực, giúp người dân nâng cao nhận thức về hôn nhân và gia đình; kiến thức về dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản. Đoàn đã tư vấn cho Hội Phụ nữ xã thành lập mô hình chị em không sinh con dưới 18 tuổi; hướng dẫn các thôn, bản xây dựng hương ước, quy ước nêu rõ không được kết hôn dưới 20 tuổi với nam và 18 tuổi với nữ… Hồi đầu năm nay, chính quyền xã và bộ đội Đoàn KT-QP 345 đã kịp thời ngăn chặn một cặp đôi có ý định tảo hôn. Đó là trường hợp anh Tẩn Láo Tả và chị Tẩn Lở Mẩy đều người dân tộc Dao, nhà ở thôn Suối Thầu 3, xã Nậm Chạc. Cả 2 người này mới có 16 tuổi và có ý định kết hôn, làm cỗ liên hoan và về chung sống một nhà, không cần đăng ký kết hôn của UBND xã. Khi biết tin này, cán bộ xã, thôn và chiến sĩ của Đội sản xuất xây dựng cơ sở chính trị số 1 đã đến tận gia đình gặp gỡ, động viên, thuyết phục. Cả anh Tả, chỉ Mẩy đều đồng ý, vui vẻ ký giấy cam kết không kết hôn khi chưa được phép của chính quyền địa phương.

Không chỉ tuyên truyền những tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, bộ đội Đoàn KT-QP 345 còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; nêu những tấm gương sáng về chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, làm kinh tế giỏi, sinh con trong độ tuổi khuyến cáo của ngành y tế. Vợ chồng anh Vù A Các và chị Sùng Thị Gầu là một trong những cặp vợ chồng trẻ tiêu biểu của thôn Bản Lầu khi nhiều năm liền được UBND xã Trịnh Tường công nhận là gia đình văn hóa và tấm gương sáng trong kinh tế giỏi. Anh Các và chị Gầu kết hôn đúng tuổi theo quy định và sinh đủ 2 con. Cùng với tính chịu thương chịu khó, vợ chồng anh chị có cuộc sống khá giả, nuôi dạy các con học hành đầy đủ. Với nghề nuôi ong và lợn đen bản địa mỗi năm vợ chồng anh Các thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Lê Viết Xuân, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 345 cho biết: Để giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn có cuộc sống no đủ thì không chỉ quan tâm, phát triển các dự án, mô hình mà cũng cần tăng cường tuyên truyền về hệ quả vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đó là một trong những nguyên nhân gây nên đói nghèo. Vì vậy, đẩy lùi vấn nạn này được sẽ giúp người dân nơi đây phát triển bền vững; duy trì được giống nòi của dân tộc mình. Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền các xã, sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đến nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống gần như không xảy ra nữa, còn tình trạng tảo hôn đang từng bước được đẩy lùi, ngăn chặn.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.