Thứ ba Ngày 19 Tháng 03 Năm 2024, 02:27:05

Chủ động phòng dịch bệnh mùa nắng, nóng

Ngày đăng: 15/07/2019

QK2 – Vừa qua, thời tiết nắng nóng đã làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Việc phòng chống bệnh mùa nắng nóng đã và đang được các đơn vị triển khai tích cực nhằm bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện và SSCĐ. Để chủ động hơn nữa trong việc phòng các bệnh mùa nắng nóng, Phóng viên (PV) Báo QK đã có dịp trao đổi với Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Quân y 109.

Y, bác sĩ Khoa Hồi sức Bệnh viện 109 cấp cứu bệnh nhân Nguyễn Tiến Dũng, Kho 887 (Tổng cục Kỹ thuật) vừa bị say nóng, say nắng.

PV: Đồng chí cho biết một số điều đặc biệt lưu ý trong mùa nắng nóng đối với chiến sĩ đang huấn luyện tại các đơn vị?

Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng: Thứ nhất, mùa nắng nóng có rất nhiều bệnh xảy ra cho mọi lứa tuổi. Những bệnh thường gặp là bệnh về đường hô hấp  như viêm tai, họng, mũi. Những bệnh này thường liên quan đến khâu vệ sinh cá nhân như chiến sĩ lười đánh răng, súc họng sau ăn hoặc trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Ngoài ra, uống các loại nước giải khát, uống nước chưa đun sôi, ăn rau sống, nem chua, nem chạo, tiết canh cũng có thể mắc các bệnh về đường ruột. Triệu chứng điển hình là đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy cấp, nếu không cấp cứu kịp thời có thể trụy tim mạch, tử vong. Bên cạnh đó, mùa nắng nóng ruồi, nhặng, dán, muỗi là loại côn trùng phát triển mạnh, nguy hiểm trong việc truyền bệnh cho con người. Một số quân nhân ngại nằm màn, vì vậy có thể mắc một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, sốt rét bởi muỗi truyền bệnh. Mùa nắng nóng cũng xảy ra bệnh về da như hắc lào, nấm kẽ (do nấm), ghẻ hoặc ghẻ nhiễm trùng, chốc đầu do liên cầu khuẩn hoặc do tụ cầu khuẩn. Ở chiến sĩ đang tuổi dậy thì có thể mắc bệnh trứng cá hoặc trứng cá tái phát vào mùa nắng nóng, bóp nặn, chích rạch không đúng gây nhiễm trùng…

Thứ hai, say nắng, say nóng: là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè, đây là một cấp cứu nội khoa khẩn cấp, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.

Say nắng là khi lao động hoặc đi quá lâu dưới trời nắng, nhiều tia nắng sẽ chiếu thẳng vào vùng cổ gáy kéo dài làm trung tâm điều hòa thân nhiệt cơ thể sẽ bị chấn động, gây rối loạn điều hòa thân nhiệt, cùng với hiện tượng mất nước cấp của cơ thể… Còn say nóng là tình trạng mất nước toàn thể kèm theo rối loạn điều hòa thân nhiệt, rối loạn vận mạch mà bản chất là do trung tâm điều hòa thân nhiệt không thích ứng với điều kiện thời tiết xung quanh. Ánh nắng mặt trời và sức nóng là hai tác nhân vật lý có thể gây stress với cơ thể.

Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải, nặng có thể gây tử vong. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút… và cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

 PV: Đặc điểm thời tiết mùa hè năm nay vô cùng khốc liệt. Nắng nóng kéo dài, nhiều ngày nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C và ít mưa. Để bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần tập trung vào nội dung nào, thưa đ/c?

Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng: Để hạn chế tối đa khả năng bị bệnh mùa nắng nóng, lãnh đạo chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải quan tâm thường xuyên đến tình hình sức khỏe của bộ đội toàn đơn vị; Quân y phải thường xuyên tham mưu, đề xuất cho chỉ huy đơn vị về chăm sóc sức khỏe và kết hợp kiểm tra giám sát các nội dung đã đề xuất; thực hiện nghiêm vệ sinh doanh trại, phòng ở thoáng mát, khu chăn nuôi hợp lý.

Khi phát hiện chiến sĩ có các biểu hiện say nắng, say nóng cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của quân y như: Nhanh chóng  giảm thân nhiệt cho chiến sĩ bằng cách chuyển ngay vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo, cho uống nước mát có pha muối (Phải có sẵn ngoài thao trường), bằng cách nhanh nhất có thể chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn ngoài da như nách, bẹn, cổ. Nếu bị hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển chiến sĩ đến cơ sở y tế gần nhất, quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát.

Điều quan trọng nữa là, không để chiến sĩ làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức, cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức… Uống đủ nước khi trời nóng hoặc lao động nặng. Các đơn vị có thể nghiên cứu điều chỉnh thời gian huấn luyện buổi sáng lên sớm hơn, buổi chiều muộn hơn so với thời gian quy định. Thời điểm cuối giờ trưa, đầu giờ chiều là những lúc nắng nóng nhất thì bộ đội được nghỉ ngơi. Điều này sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ bảo đảm được sức khỏe mà vẫn bảo đảm thời gian, chất lượng huấn luyện. Mặt khác, đơn vị phải chú trọng công tác tập huấn các bước sơ cứu ban đầu về say nắng, say nóng cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Đây là kỹ năng cần thiết để khi có tình huống, chiến sĩ có thể phối hợp cùng với quân y đơn vị xử trí nhanh bước đầu, nhằm giảm biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân trước khi đưa đi cấp cứu.

PV: Cảm ơn đồng chí!

NGỌC CƯỜNG (thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.