Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 05:43:19

Chiêu trò “yêu sách” lạc điệu

Ngày đăng: 15/01/2019

QK2 – Thông thường chuẩn bị bước sang một năm mới, hay khởi đầu một nhiệm vụ, một sự kiện có ý nghĩa, người ta thường hoạch định những vẫn đề mở ra một tương lai tươi sáng.

Ấy nhưng, chuẩn bị bước vào năm 2019, trên mạng xã hội và một số báo điện tử phản động nước ngoài xuất hiện cái gọi là “Bản yêu sách 8 điểm năm 2019 của dân Việt”. Trong những nội dung cái gọi là “bản yêu sách” ấy, họ đòi hỏi những vấn đề hết sức vô lý như: “Trả tự do tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm”; “Cải cách căn bản nền pháp lý để mọi người dân được hưởng các bảo đảm pháp lý như nhau”; “Đảm bảo tất cả các điều luật và các hướng dẫn thi hành luật trung thành với Hiến pháp” cùng những đòi hỏi “phi chính trị hóa trường học”, “chế độ bầu cử công bằng, minh bạch”; tự do lập hội, tự do hội họp, tự do báo chí, tự do ngôn luận… Điều nực cười là một số đối tượng này lại tự nâng cấp những đòi hỏi, yêu sách này nhân danh hơn 90 triệu người dân Việt Nam và tự cho đó là “đòi hỏi chính đáng của người dân”.

Tuổi trẻ Đoan Hùng, Phú Thọ trong ngày hội đọc sách.

 Phải khẳng định rằng, đây là những chiêu trò cũ rích, không có gì mới nhưng là chiêu bài tiếp diễn, làm mới những nội dung mà họ đã rêu rao, tuyên truyền từ lâu để chống phá Đảng, Nhà nước ta hòng xuyên tạc sự thật, kích động gây dư luận xấu trong nhân dân. Nguy hiểm hơn là một số đối tượng chuyên tuyên truyền phản động, tiếm quyền coi đó là thỉnh thư lên các tổ chức quốc tế đòi hỏi can thiệp, gây sức ép vào Việt Nam. Những người phát tán tài liệu phản động này, những đối tượng tham gia bình, bàn, phỏng vấn xoay quanh nội dung này vốn thiếu thiện chí với Việt Nam, làm người dân dễ hiểu sai về bản chất chế độ dân chủ của Việt Nam.

Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý, điều hành xã hội. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, chỉnh sửa ngày càng phù hợp hơn với sự phát triển của tình hình thực tiễn. Tuy những văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, có những nội dung chưa kịp sửa đổi, bổ sung kịp với sự phát triển của thực tiễn, nhưng không có sự vênh nhau giữa Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Việt Nam còn có Ngày pháp luật. Đây là dịp để tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, khẳng định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của mọi công dân; giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến các lĩnh vực pháp luật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, giúp cho những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần với người dân hơn và dễ dàng đi vào cuộc sống.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992 đều thể hiện sự nhất quán quy định về nội dung quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp 2013 đã bao hàm những nội dung mới về quyền con người và quyền công dân, thể hiện bước tiến lớn về tư duy Nhà nước pháp quyền và thể chế hóa quyền con người ở Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người. Những đối tượng mà chúng phân tích, viện dẫn cho cái gọi là “tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm” ấy rõ ràng là vi phạm pháp luật Việt Nam, là những đối tượng đã từng gây nguy hiểm cho xã hội, làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của đất nước, muốn lật đổ chính quyền, bán nước, hại dân, đã bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý theo quy định.

Nền giáo dục Việt Nam, tuy còn có những hạn chế, bất cập được coi là gam màu tối cần được khắc phục. Toàn dân cùng các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục đã, đang tìm ra phương thức đó. Tuy nhiên đòi hỏi “phi chính trị hóa trường học” là điều phi lý đến nực cười. Chẳng có xã hội nào đi giáo dục, đào tạo con người chung chung, sống không có lý tưởng. Thực tế, những nội dung mà chúng yêu sách, đòi hỏi đã có ở Việt Nam, phục vụ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam. Chỉ có những kẻ vi phạm pháp luật, tự đánh mất quyền và nghĩa vụ công dân cao cả mới không được hưởng trọn vẹn những quyền lợi ấy.

Mặt khác, một số đối tượng, một số trang mạng xã hội lại bình bàn, so sánh, đặt cạnh “bản yêu sách 8 điểm năm 2019” của những kẻ phản động này với bản yêu sách 8 điểm của Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho những người Việt Nam yêu nước và nhân dân Việt Nam gửi tới Hội nghị Véc-sai đúng một thế kỷ trước (năm 1919). Đây là một sự đánh tráo khái niệm, thể hiện sự ấu trĩ về nhận thức chính trị, thiếu hoặc cố tình không hiểu biết lịch sử, một sự xúc phạm nghiêm trọng tới lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng như những nhà hoạt động cách mạng tiền bối từng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đúng một thế kỷ trước, sau khi chiến tranh thế giới kết thúc, các nước cả thắng trận và bại trận đã tổ chức hội nghị Véc-sai (Pháp) để ký hòa ước, chia lại “thị trường” thế giới cho các nước hưởng quyền lợi. Khi đó người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Pháp, đã tổ chức “nhóm người Việt Nam yêu nước” đến Hội nghị Véc-sai với danh nghĩa đại diện cho “nhóm người Việt Nam yêu nước” phát cho các đại biểu bản yêu sách 8 điểm, đòi Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu cho nhân dân Việt Nam, nhân dân thuộc dân tộc thuộc địa. Dù không được chấp thuận nhưng gây tiếng vang lớn, qua đó, dư luận Pháp và Việt Nam lần đầu tiên biết đến cái tên Nguyễn Ái Quốc.

Còn những kẻ lợi dụng đưa ra cái gọi là “bản yêu sách 8 điểm năm 2019” là những kẻ lợi dụng sự kiện lịch sử để chống phá Đảng chống phá cách mạng nước ta, không thể so sánh với bản yêu sách 8 điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đại diện cho tất cả những người Việt Nam bị thực dân cai trị xâm lược. Những người Việt chân chính không thể bị đánh lừa bởi chiêu trò này và cần hết sức tỉnh táo, cánh giác với cái gọi là “bản yêu sách” lạc điệu ấy, loại bỏ luận điệu xuyên tạc sự thật của những kẻ phản động ra khỏi đời sống xã hội.

Bài, ảnh: VIỆT KHÔI

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.