Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 01:01:45

Chiến thắng Tây Bắc 1952 – Vận dụng vào xây dựng “thế trận lòng dân” trên địa bàn Quân khu hiện nay

Ngày đăng: 10/10/2022

Qk2 – Năm 1952, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Tây Bắc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về quân sự, chính trị và kinh tế, xã hội. Trải qua 70 năm, đến nay, bài học về “thế trận lòng dân” trong chiến dịch Tây Bắc 1952 vẫn còn nguyên giá trị và được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kế thừa, phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Đối với Quân khu, bài học về xây dựng “thế trận lòng dân” từ chiến thắng Tây Bắc 1952 luôn là cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc chỉ đạo xuyên suốt lịch sử xây dựng, chiến đấu và phát triển. Nhờ đó, quân và dân trên địa bàn Quân khu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó.

Đại biểu tham gia Hội nghị Đảng ủy Quân khu ra Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự – quốc phòng và xây dựng Đảng bộ 6 tháng cuối năm trao đổi kinh nghiệm xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.


Trên cơ sở kế thừa bài học phát huy sức mạnh toàn dân từ chiến thắng Tây Bắc 1952 và những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong xây dựng “thế trận lòng dân”, Quân khu và các địa phương trên địa bàn luôn nỗ lực phát huy hiệu quả “thế trận lòng dân” trong xây dựng phòng thủ Quân khu và khu vực phòng thủ các tỉnh, huyện theo chiều sâu và vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình. Trong đó tập trung một số nội dung chủ yếu:
Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, quy tụ sự đồng tâm, tinh thần yêu nước và ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc cho toàn dân.
Thực tiễn, sau chiến thắng Hòa Bình (3/1952), thế và lực của ta đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Để tiếp tục giữ vững và phát huy thế chủ động về chiến lược trên các chiến trường, tiến tới đánh bại kẻ thù, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa kinh nghiệm truyền thống của dân tộc “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, nghệ thuật “lấy ít địch nhiều” và vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết chiến tranh nhân dân của chủ nghĩa Mác-Lênin về phát huy sức mạnh của nhân dân, của “thế trận lòng dân” tạo thành sức mạnh tổng hợp cả dân tộc, chiến thắng kẻ thù trong chiến dịch Tây Bắc 1952. 

Đồng bào các dân tộc Tây Bắc tham gia phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu)

Bộ đội chủ lực hành quân trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: Tư liệu)


Từ so sánh thế và lực giữa ta và địch, địa thế chiến lược của địa bàn Tây Bắc, Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ hạ quyết tâm mở chiến dịch tiến công trên chiến trường Tây Bắc. Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị xúc tiến chuẩn bị chiến dịch, trọng tâm là xây dựng “thế trận lòng dân” để khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, quy tụ được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. 
Khu ủy Tây Bắc và các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc đã nhận thức rõ vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về đường lối của Đảng, truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc, tổ chức nhiều phong trào hành động cách mạng rộng lớn, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến; từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chế độ mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang. Đặc biệt là chú trọng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, không phân biệt, chia rẽ, kỳ thị, tạo thành khối thống nhất trong phong trào hành động cách mạng. 

Ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho quý vị chức sắc, chức việc các tôn giáo của các địa phương trên địa bàn Quân khu 2 và thành phố Hà Nội.

Hội đồng Giáo dục Quốc phòng và an ninh (QP-AN) Quân khu thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng.


Ngày nay, không phải có nền kinh tế phát triển là tất yếu có quốc phòng mạnh, hay dân giàu là ắt nước sẽ mạnh, nếu thiếu đi sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thiếu sự chăm lo, giáo dục ý thức quốc phòng, tuyên truyền rộng rãi nhiệm vụ xây dựng, củng cố nền quốc phòng đến mỗi người dân. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang chú trọng việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng cho toàn dân, làm cho mọi người thấu hiểu đường lối, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 
Hai là, đẩy mạnh xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, then chốt là thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết chống quan liêu, tham nhũng để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Thực tiễn, quá trình chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc, Trung ương Đảng đã chỉ đạo các tổ chức Đảng chấn chỉnh về tổ chức và năng lực lãnh đạo, tạo sự đoàn kết thống nhất, kiên quyết và sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng và tạo lòng tin của nhân dân vào Đảng, Bác Hồ. Khu ủy Tây Bắc hết sức chú trọng xây dựng, củng cố các tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền các cấp từng bước vững mạnh, phát huy tốt vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, cơ sở. Tập trung xây dựng chế độ mới, thực hiện đầy đủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực. Xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang 3 thứ quân hiệu suất chiến đấu cao, đủ sức phối hợp với lực lượng chủ lực của Bộ chiến đấu. 
Bộ đội cùng các cấp bộ Đảng, chính quyền địa phương đã vượt qua gian khổ, hy sinh, kiên trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ chiến dịch, củng cố cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang, làm nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường, lương thực, thực phẩm, dân công, thuyền mảng…, sẵn sàng phục vụ bộ đội vượt sông; đẩy mạnh hoạt động xây dựng các cơ sở kháng chiến ở rẻo cao và phục hồi những cơ sở bị địch phá vỡ trước đây; tăng cường công tác ngụy vận, đẩy mạnh phong trào sản xuất tiết kiệm, hoàn thành thuế nông nghiệp và công tác tạm vay, động viên nhân tài, vật lực phục vụ tiền tuyến đánh giặc. Nhờ đó, chúng ta đã xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân, “thế trận lòng dân” Tây Bắc vững chắc, nhận thức của đồng bào ngày càng tiến bộ, tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ, tích cực tham gia nắm địch, thu gom lương thực, chuẩn bị vật chất, đi dân công, làm đường, bắc cầu cho bộ đội… Ở các vùng tạm bị chiếm, cơ sở kháng chiến phát triển vào các thôn, bản. Các cơ sở vùng cao được củng cố cùng  với cơ sở vùng đồng bằng tạo thành một thế đứng chân liên hoàn, vững chắc cho bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt kẻ thù. 

Tổ Biên tập Ban Chỉ đạo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" và lãnh đạo Quân khu khảo sát, đánh giá thực trạng kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) tại Công ty cổ phần Cơ khí đúc Việt Nam.


Để tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc ngày nay, chúng ta phải ra sức củng cố sự thống nhất tinh thần – chính trị toàn dân, toàn quân, xây dựng vững chắc thế trận QP-AN trên cơ sở chính trị – xã hội, xây dựng “thế trận lòng dân”; đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); bảo đảm các tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có bản lĩnh chính trị trong sáng, có phương pháp lãnh đạo khoa học và luôn gắn bó với nhân dân. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là cấp xã, phường (nơi nhân dân trực tiếp tiếp xúc với chính quyền Nhà nước) thực sự là “công bộc” của nhân dân; tăng cường sự giám sát của các tổ chức xã hội và nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kiên quyết xử lý nghiêm minh, công khai đối với những cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, quan liêu, tham nhũng, hoặc bao che cho tham nhũng. Nâng cao chất lượng thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Bất luận trong tình huống nào, chúng ta cũng không để xảy ra “lòng dân không yên”, không để nhân dân mất tin tưởng ở hệ thống chính trị, đặc biệt là các tổ chức đảng, đảng viên và hệ thống chính quyền nhà nước các cấp.  
Ba là, ban hành và thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thực hiện tốt quyền dân chủ ở cơ sở.
Nhằm tạo sự thống nhất của toàn dân và toàn quân cho chiến dịch Tây Bắc, từ tháng 4/1952, Tổng Quân ủy đã chỉ đạo lực lượng vũ trang chỉnh huấn toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, vũ khí trang bị, khả năng chiến đấu chuẩn bị cho những đòn tiến công mới hiệu quả cao hơn; đồng thời, để phát huy sức mạnh của nhân dân, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân, như: Bộ Chính trị ra Nghị quyết về chính sách vận động dân tộc ít người; Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công; Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo “Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa” về chính sách dân vận trong chiến dịch. Từ ngày 6-9/9/1952, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức Hội nghị cán bộ chiến dịch quán triệt và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương. Tại hội nghị này, cán bộ chủ chốt của các đơn vị được Hồ Chủ tịch căn dặn: Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, “Chính phủ đã có quy định, các chú và bộ đội phải làm đúng. Đó là một cách tranh thủ nhân dân để phá tan âm mưu của địch “lấy người Việt hại người Việt”.

Cán bộ, nhân viên, TTTTN Đoàn KT-QP 379 khảo sát thực trạng nhà ở của các hộ nghèo trên địa bàn và vận động hộ gia đình bà Hạng Thị Mỷ, ở bản Pháng Chủ, xã Phìn Hồ làm nhà mới.


Trong điều kiện hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa có những bước phát triển mới, yêu cầu xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày một cao thì phải “Lấy dân làm gốc”, biết dựa vào dân, phát huy được nguồn lực to lớn từ nhân dân. Khi ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, cần cân nhắc kỹ lưỡng, tránh chủ quan duy ý chí, gây phiền hà hoặc làm thiệt hại đến lợi ích chính đáng của nhân dân; khắc phục triệt để những thiệt thòi người dân phải gánh chịu trong tổ chức thực hiện các chính sách… Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực.
Bốn là, tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân làm cơ sở để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, đồng thời tạo nguồn lực vật chất – kỹ thuật của phòng thủ Quân khu. 

Bộ đội giải thích chính sách khoan hồng của Đảng và Chính phủ cho tù binh bị bắt trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: Tư liệu)


Trong chiến dịch Tây Bắc, mặc dù địa bàn Quân khu chưa được giải phóng hoàn toàn và đời sống nhân dân còn gặp hết sức khó khăn, thiếu thốn, nhiều nơi giáp hạt, thiếu ăn, thiếu nhân công… Nhưng nhờ phát huy được “thế trận lòng dân” nên các địa phương đã huy động được nguồn lực tại chỗ vô cùng lớn và quý báu để phục vụ kịp thời, hiệu quả cho chiến dịch. Với tinh thần hy sinh phục vụ và quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”, đồng bào các dân tộc Tây Bắc hăng hái tự nguyện ủng hộ thóc gạo, lợn gà, trâu bò, ngựa thồ, đăng ký xung phong đi dân công và nô nức tình nguyện phục vụ chiến dịch, vừa đánh giặc bảo vệ hậu phương vừa tham gia phục vụ tiền tuyến. Tính chung toàn chiến dịch, đồng bào Tây Bắc đã huy động được 1.140 tấn gạo, 40 tấn thịt, 41 tấn thực phẩm khác, cùng với 150.000 ngày công vận chuyển 50.000 tấn hàng từ hậu phương ra tiền tuyến và hàng trăm nghìn phương tiện vận tải thô sơ cho chiến dịch. 

Lực lượng quân y tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh khoa học.


Vận dụng bài học đó, hiện nay cấp ủy, chính quyền các địa phương cần lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN ngay trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển hằng năm và giai đoạn của từng tỉnh, ngành và lĩnh vực, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo nguồn lực vật chất cho KVPT tỉnh, huyện. Trước mắt, thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tạo chuyển biến tích cực trong công tác định canh, định cư, ổn định đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh cơ sở; quan tâm xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Đồng thời, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của 34 dân tộc Tây Bắc; tích cực đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hóa độc hại, phản động. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tiếp tục chỉ đạo 5 Đoàn kinh tế – quốc phòng (326, 313, 345, 379, 356) tham gia phát triển KT-XH gắn với xây dựng địa bàn, điều chỉnh, bố trí dân cư trên các địa bàn trọng điểm, chiến lược, biên giới, góp phần hoàn thiện thế trận khu vực phòng thủ từng tỉnh và trên toàn tuyến biên giới của Quân khu…

Phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 297 thi đua huấn luyện giỏi.


Từ chiến thắng Tây Bắc 1952, lực lượng vũ trang Quân khu và Nhân dân Tây Bắc ngày nay đang nỗ lực xây dựng và phát huy sức mạnh bài học “thế trận lòng dân” trên địa bàn bằng các giải pháp phù hợp, làm nền tảng để xây dựng các tiềm lực của phòng thủ Quân khu vững chắc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trung tướng PHẠM ĐỨC DUYÊN, Chính ủy Quân khu 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.