Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:16:58

Chiến thắng Điện Biên Phủ – Mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc

Ngày đăng: 07/05/2020

QK2 – Hôm nay, ngày 7-5, ngày này 66 năm về trước, quân và dân Việt Nam đã giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân và dân ta. Đây là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến – Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1953, tình hình chiến trường Đông Dương có nhiều thay đổi bất lợi cho thực dân Pháp. Lợi dụng lúc thực dân Pháp gặp khó khăn, Mỹ đã tìm cách nhảy vào Việt Nam, tăng cường viện trợ, cơ quan Viện trợ quân sự MAAG ở Việt Nam. Tháng 7-1953 “Kế hoạch Na-va” được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng. Theo kế hoạch này chủ trương tăng quân Pháp và quân ngụy, rút bớt lực lượng chiến đấu về tập trung xây dựng thành lực lượng cơ động mạnh. Trong Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp giữ thế phòng ngự, tránh những cuộc đụng độ trên diện rộng với ta ở miền Bắc, tập trung đánh chiếm miền Trung và Nam Đông Dương. Sang Đông Xuân 1954-1955, sẽ đem toàn lực ra quyết chiến với chủ lực ta ở miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.

Về phía ta, dựa trên phương hướng chiến lược của Hội nghị lần thứ IV Trung ương Đảng họp tháng 1-1953 là: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc thắng”, tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 là mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng mà địch tương đối yếu, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm hành động là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán…”. Tây Bắc là một hướng chiến lược Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã lựa chọn.

Để phá tan kế hoạch Na-va, mở đầu kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Tháng 11-1953, Đại đoàn 316 được lệnh tiến quân lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, phần đất cuối cùng còn lại ở Tây Bắc nằm trong tay quân đội Pháp.

Bị uy hiếp ở chỗ sơ hở nhất, phát hiện ra Đại đoàn 316 đang hành quân hướng lên Tây Bắc, sợ mất Tây Bắc và hòng che chở cho Thượng Lào, trong 3 ngày từ 20 đến 22-11-1953, tướng Na-va vội vã tiến hành cuộc hành binh “Chuột biển” (casta), cho 6 tiểu đoàn dù thiện chiến và một số đơn vị pháo binh nhảy dù chiếm đóng thung lũng Điện Biên Phủ. Ngày 3-12-1953, Na-va hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh và quyết định: Tiếp nhận giao chiến với chủ lực Việt Minh ở Tây Bắc, lấy Điện Biên Phủ làm trung tâm. Ngày 5-12-1953, các đơn vị đồn trú ở Điện Biên Phủ được chuyển thành “Binh đoàn tác chiến Tây Bắc” (GONO) và ngày 7-12-1953 Na-va quyết định rút toàn bộ quân lính từ Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ. 

Trước tình hình đó, Tổng Quân ủy ta nhận định: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta và chủ trương: Giữ địch ở lại Điện Biên Phủ và ta có thể đánh địch ở Điện Biên Phủ”. 

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân uỷ báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến. Sau khi phân tích kỹ tình hình địch, ta, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. 

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho bộ đội chủ lực các mặt trận nhanh chóng bước vào tiến công địch. Các đại đoàn chủ lực được lệnh tiến quân lên Tây Bắc. Ngày 10-12-1953 ta tiến công địch ở Lai Châu, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 bắt đầu.

Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo kế hoạch của Tổng Quân ủy, Sư đoàn 316 đang đóng quân ở Thanh Hóa hành quân theo dọc Sông Mã, tiến về Tây Bắc tiêu diệt địch ở  thị xã Lai Châu.

Để ngăn chặn bộ đội ta tiến đánh thị xã Lai Châu, ngày 2/11/1953, Na-va chỉ thị cho tướng Cô-nhi: từ ngày 15 đến ngày 20/11/1953, chậm nhất là ngày 1/12/1953, phải đánh chiếm Điện Biên Phủ để thiết lập một cứ điểm, ngăn chặn Việt Minh, bảo vệ cho Thượng Lào.

Cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ của Pháp có bí danh là "Hải Ly", Chỉ huy là tướng Jean Gilles (Jin Gin- lơ). Ngày 20/11/1953, Pháp điều động 63 chuyến máy bay C-47 Dakota thả 3.000 lính dù đầu tiên xuống Điện Biên Phủ. Tại đây Pháp xây dựng thành 49 cứ điểm, 3 phân khu trung tâm, 8 trung tâm đề kháng gồm 17 tiểu đoàn, 7 đại đội độc lập với tổng số 16.200 quân tinh nhuệ nhất lúc bấy giờ. Pháp muốn kết thúc chiến tranh có lợi theo cách của Pháp.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời án ngữ miền Tây Bắc – Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào, làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh, theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đây. Pháp xây dựng hai sân bay: Mường Thanh và Hồng Cúm để đưa lực lượng, phương tiện đến. Đây là căn cứ không quân lục quân tốt nhất của Pháp lúc bấy giờ.

Tướng Cô-nhi nhấn mạnh: Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh, không quân lý tưởng, nó là "chiếc chìa khoá" ở Thượng Lào của Pháp.

Lực lượng Pháp được tổ chức thành 3 phân khu:

Một là, Phân khu phía Bắc, gồm đồi Him Lam, đồi Độc lập có nhiệm vụ án ngữ phía bắc, ngăn chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ.

Hai là, Phân khu Trung tâm, gồm các điểm cao phía đông, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía tây Mường Thanh; đây là khu vực mạnh nhất của quân Pháp, tập trung hai phần ba lực lượng (8 tiểu đoàn, gồm 5 tiểu đoàn chốt giữ và 3 tiểu đoàn cơ động).

Ba là, Phân khu phía Nam: thuộc cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm 

Ngày 2/12/1953, tướng Nava hống hách ra lệnh cho cấp dưới chấp nhận giao chiến với Việt Minh tại Điện Biên Phủ.

Về phía ta

– Sau 8 năm kháng chiến, lực lượng đã mạnh lên gấp nhiều lần. Kể từ sau năm 1950 do nối thông biên giới với Trung Quốc, lại được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung Quốc và Liên Xô, quân đội ta đã lớn mạnh rất nhiều, với các sư đoàn (đại đoàn) bộ binh và các trung đoàn pháo binhcông binh đã có kinh nghiệm đánh tiêu diệt cấp tiểu đoàn của quân Pháp trong phòng ngự kiên cố.

Tuy vậy, trong lịch sử đánh Pháp, đến lúc này, ta chưa  đánh một tập đoàn cứ điểm nào của Pháp; địa bàn Điện Biên Phủ xa hậu phương 500 km, lương thực, thực phẩm không đủ, đường tiếp tế duy nhất lên Điện Biên Phủ là đường số 6, thì bị Pháp dùng pháo binh và máy bay khống chế. Đưa một khối lượng cơ sở vật chất đến đây quả thực là một việc phi thường.

Bộ Tổng Tư lệnh nhìn nhận rằng: trận Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo nên chiến thắng vang dội để chấm dứt kháng chiến trường kỳ; quyết định: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương".  Vì vậy, từ phương châm chọn nơi địch yếu nhất, sơ hở nhất để đánh, 16 ngày sau Tổng Quân uỷ quyết định thay đổi kế hoạch chọn chỗ mạnh nhất của địch để đánh.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị đồng ý mở chiến dịch Điện Biên Phủ, với phương châm: “Đánh nhanh thắng nhanh”.

– Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Bác Hồ giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng uỷ, kiêm Tư lệnh Mặt trận, trước khi ra trận Bác nói: “Bác giao cho chú toàn quyền, tướng quân tại ngoại, trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.

Ngày 25/1/1954, tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ: phương án "Đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều yếu tố chủ quan, không đánh giá đúng tình hình thực lực của hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Cuối cùng Đại tướng quyết định dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”

Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia thành ba giai đoạn

 Giai đoạn 1:Từ 13/3 đến 17/3/1954, ta tiêu diệt phân khu phía Bắc của Pháp, lực lượng tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và trung tâm đề kháng Bản Kéo.

Quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi rốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát. 

Giai đoạn 2: từ 30/3 đến 30/4ta tiến đánh phân khu trung tâm, đặc biệt là các điểm cao quan trọng phía Đông, vây lấn bóp nghẹt Tập đoàn cứ điểm.

 Quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho Tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Giai đoạn 3: từ ngày 1 đến 7/5/1954. quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Kết quả chiến dịch

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt điển hình nhất, là trận đầu đánh thắng Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975

 Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Về nghệ thuật chiến dịch, nổi lên là: Đã xác định phương châm và cách đánh chiến dịch đúng đắn, tạo ưu thế, thế trận vững chắc, đảm bảo sự chắc thắng cho từng trận đánh trong điều kiện địch có ưu thế về hỏa lực, xe tăng và máy bay; triển khai thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng (bộ binh, pháo binh, pháo phòng không); xây dựng trận địa tiến công và bao vây, tạo và nắm thời cơ; phát triển chiến thuật đánh địch trong công sự vững chắc… Về chiến thuật, đó là cách vận dụng linh hoạt cách thức chiến đấu, tiến công trận địa bằng sự hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh; vừa vây lấn vừa tiến công, đánh chiếm các cứ điểm, cụm cứ điểm, vừa phòng ngự, bám trụ đánh địch phản kích, tạo bàn đạp đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo; kết hợp tác chiến giữa tiến công và phòng ngự là hình thức tác chiến mới, biểu hiện sự phát triển linh hoạt, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

K.B (th)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.