Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 08:41:42

Chiến sĩ Tây Bắc khắc sâu lời Bác dạy

Ngày đăng: 30/05/2018

Khắc ghi Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 trên miền Tây Bắc của Tổ quốc đã tổ chức nhiều phong trào thi đua, vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời viết nên truyền thống: “Trung thành-Tự lực-Đoàn kết-Anh dũng-Chiến thắng”. Đó là nội dung được nhiều đại biểu khẳng định tại Tọa đàm “Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy”…

Giá trị lâu bền, sức lan tỏa mạnh mẽ

Tọa đàm “Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy” được tổ chức sáng 30-5 tại Phú Thọ. Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 2; Thiếu tướng Phùng Sĩ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có đại biểu cơ quan chức năng Tổng cục Chính trị; lãnh đạo các viện, trung tâm nghiên cứu, học viện, nhà trường; các tướng lĩnh, anh hùng LLVT nhân dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài Quân đội; lãnh đạo các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2; lãnh đạo Bộ tư lệnh, và các cơ quan cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2; cán bộ, phóng viên Báo QĐND.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh: Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là nhằm tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về thi đua yêu nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chỉ huy và các tổ chức quần chúng đối với công tác thi đua, khen thưởng; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng trong LLVT Quân khu có động cơ, quyết tâm thi đua đúng đắn, ra sức phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Với tình cảm và lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người cha thân yêu của các LLVT nhân dân ta, Ban Tổ chức tọa đàm mong muốn các đại biểu trao đổi làm rõ 3 vấn đề cơ bản: Giá trị và sức lan tỏa mạnh mẽ từ tinh thần thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quân khu 2, bảy mươi năm thực hiện lời Bác dạy; Quân khu 2 tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Trịnh Văn Quyết, Chính ủy Quân khu 2 phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) là trung tâm nghiên cứu uy tín của Đảng về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tham dự tọa đàm với tham luận “Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Giá trị lý luận và thực tiễn”, PGS. TS Lý Việt Quang, Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng, nhấn mạnh: 70 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, bởi Lời kêu gọi thể hiện tập trung tư tưởng thi đua yêu nước; là sự khẳng định, bồi dưỡng, củng cố ý chí, niềm tin của toàn dân tộc vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; là cách thức hữu hiệu khơi dậy, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc; là sự khởi nguồn của một phong trào hành động thiết thực giúp đào tạo và nhân rộng những con người mới.

PGS. TS Lý Việt Quang, Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Là người dành nhiều tâm huyết và có nhiều năm nghiên cứu về Đảng, về Bác Hồ, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng có tham luận “Hồ Chí Minh-Người khởi xướng và lãnh đạo phong trào Thi đua yêu nước” gửi về tọa đàm, trong đó nhấn mạnh: Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ngay trong tháng 6-1948, Người viết thư mời đồng chí Hoàng Đạo Thúy, Cục trưởng Cục Thông tin liên lạc-Bộ Quốc phòng, nhận nhiệm vụ lãnh đạo Ban Thi đua Trung ương. Người nhấn mạnh lãnh đạo công tác thi đua “cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm và tính xốc vác”. Tổ chức thi đua yêu nước ngay từ đầu đã có cơ quan và người lãnh đạo. Điều đó cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của thi đua. Đó không phải chỉ là lời kêu gọi và động viên tinh thần mà phải thật sự hành động. Ngày 1-5-1952 diễn ra Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại đại hội. Người khẳng định thành công của công tác thi đua thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Người coi trọng nêu gương người tốt, việc tốt. Những người có thành tích nổi bật được Người thưởng Huy hiệu Bác Hồ.

“Thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng 70 năm trước, được Đảng, Nhà nước lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện và đã mang lại những thành quả to lớn trong suốt quá trình kháng chiến cứu nước và xây dựng, phát triển đất nước”, tham luận của PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo QĐND tham gia điều hành tọa đàm.

Là một trong hai phóng viên tác nghiệp tại Tòa soạn tiền phương của Báo QĐND tại Mặt trận Điện Biên Phủ, Đại tá, nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp, nay đã ngoài 90 tuổi, khi nhận lời mời của Ban Tổ chức tọa đàm đã rất cảm động, phấn khởi. Do tuổi cao, sức yếu, đồng chí không thể đến dự trực tiếp, nhưng vẫn gửi đến tọa đàm những dòng thư chan chứa tình cảm: “Khi cầm giấy mời trên tay, đọc chủ đề của tọa đàm, trong tôi lại ùa về những ký ức của ngày được Đảng ủy, Ban Biên tập Báo QĐND giao nhiệm vụ ghi lại buổi trò chuyện của Bác với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong (Sư đoàn 308). Ngày ấy, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, trên đường từ chiến khu Việt Bắc trở lại Thủ đô, Bác Hồ đã đến thăm Đền Hùng. Đêm 18-9-1954, Bác nghỉ lại tại Đền Giếng. Tại đây, ngày 19-9-1954, trong buổi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 trên đường về tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tình thương yêu, lời căn dặn, mệnh lệnh thiêng liêng của Bác tại Đền Hùng năm đó đã được Quân đội ta, nhân dân ta thực hiện nghiêm túc, trọn vẹn, đem lại thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới”…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn có tham luận “55 năm thực hiện lời căn dặn của Bác, không ngừng đổi mới và phát triển” .

Vĩnh Phúc vinh dự được Bác Hồ về thăm và làm việc chính thức 8 lần, qua đó tạo niềm cổ vũ, động viên lớn lao đối với địa phương; đồng thời là động lực to lớn để Vĩnh Phúc bứt phá phát triển. Trong tham luận “55 năm thực hiện lời căn dặn của Bác, không ngừng đổi mới và phát triển”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn cho biết: Ngày 02-3-1963, Bác Hồ về thăm Vĩnh Phúc lần thứ 7, cũng là giai đoạn địa phương bị hạn hán nặng như nhiều tỉnh trên miền Bắc, nhiều loại cây trồng không phát triển. Cùng với ân cần chỉ bảo cán bộ và nhân dân toàn tỉnh nhiều việc quan trọng cần quan tâm thực hiện, Bác nhấn mạnh đến việc phải tiếp tục ra sức chống hạn để phát triển sản xuất nông nghiệp, “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Khắc ghi và thực hiện lời căn dặn của Người, Vĩnh Phúc đã tổ chức tốt các phong trào thi đua phù hợp với từng thời điểm, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng. Hiện, Vĩnh Phúc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 15,37%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đến nay, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm 89,75%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chỉ còn 10,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 72,3 triệu đồng, tăng hơn 33 lần so với năm 1997. Thu ngân sách tăng nhanh, từ hơn 100 tỷ đồng năm 1997 lên hơn 32 nghìn tỷ đồng năm 2016…

70 năm thực hiện lời Bác dạy

“Giết giặc lập công” trong kháng chiến chống Pháp, “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, “Một tấc không đi, một ly không rời” trong cuộc chiến bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, “Giúp bạn là tự giúp mình” trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào anh em… là những phong trào thi đua của LLVT Quân khu 2 nhằm hiện thực hóa lời dạy của Bác về Thi đua ái quốc trong kháng chiến. Cùng với khái quát những phong trào đó, tham luận của Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó Chính ủy Quân khu 2 còn nhấn mạnh, trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, Phong trào Thi đua Quyết thắng trong LLVT quân khu đã diễn ra sôi nổi, liên tục, với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đạt hiệu quả thiết thực, qua đó không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, đồng thời giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong LLVT quân khu.

Thiếu tướng Phạm Đức Duyên, Phó Chính ủy Quân khu 2 phát biểu tại tọa đàm.

“Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Quân khu 2 trong phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn” là tham luận của đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trình bày tại buổi tọa đàm. Đồng chí khẳng định, với tinh thần vì nhân dân, coi nhân dân như người thân ruột thịt của mình, coi khó khăn của nhân dân là khó khăn của mình, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Yên Bái và Quân khu 2 luôn sát cánh với cấp ủy, chính quyền và nhân dân Yên Bái trong những lúc khó khăn, gian khổ, thiên tai, bão lũ. Tính riêng năm 2017, LLVT tỉnh và các đơn vị trực thuộc Quân khu 2 đã huy động hơn 13.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hàng trăm phương tiện, thực hiện “4 cùng” với địa phương và nhân dân; vừa khắc phục hậu quả thiên tai, vừa tìm kiếm, cứu nạn, giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội ngày đêm không quản ngại khó khăn, nguy hiểm dầm mình trong mưa lũ để di dời, đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm kiếm các nạn nhân xấu số đã để lại ấn tượng không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân Yên Bái, đồng thời làm cho giá trị, phẩm chất, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng rõ nét và tỏa sáng trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Đồng chí Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đánh giá cao tình cảm, trách nhiệm và sự giúp đỡ của LLVT Quân khu 2 đối với nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, nhất là trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

“Giúp bạn là tự giúp mình”, quán triệt, khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 luôn làm tốt công tác đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân, góp phần giữ vững và xây đắp tình đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng và giúp bạn thiết thực trong điều kiện có thể để cùng nhau hoàn thành sự nghiệp cách mạng ở mỗi nước, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển. Đại tá Nguyễn Hữu Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Hợp tác quốc tế 705 đến với tọa đàm bằng tham luận: “Thực hiện lời dạy của Bác: Giúp bạn là tự giúp mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc tế cao cả”. Tham luận cho thấy, trong những năm qua, công ty đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng trên địa bàn nâng cao hiệu quả công tác tham mưu giúp bạn Lào xây dựng củng cố các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, thực hiện có hiệu quả phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình, xây dựng đời sống văn hóa, dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; phối hợp khám, điều trị và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người; kết hợp xây dựng cơ sở chính trị với tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng, như công trình điện, đường, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, chợ, công trình thủy lợi… Với những thành tích đó, công ty được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành và các địa phương nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba và 135 Huân, Huy chương Hữu nghị, cùng với nhiều phần thưởng, danh hiệu cao qúy khác…

Đại tá Nguyễn Hữu Hậu phát biểu tại tọa đàm.

Đẩy mạnh học tập và làm theo Bác

Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam có tham luận “Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam” gửi tới tọa đàm. Đồng chí khẳng định, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội đã tổ chức nhiều phong trào thi đua. Tuy mỗi giai đoạn có tên gọi khác nhau, thực hiện nhiệm vụ khác nhau, song các phong trào thi đua trong Quân đội luôn được giữ vững và phát triển ngày càng sâu rộng; tạo ra động lực mạnh mẽ, cổ vũ, động viên toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, dũng cảm chiến đấu, hăng say công tác, lao động sản xuất, lập nên những chiến công oanh liệt, giành thắng lợi hoàn toàn trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện hàng vạn đơn vị anh hùng, đơn vị quyết thắng, cá nhân anh hùng, dũng sĩ… Những năm qua, Phong trào thi đua Quyết thắng trong Quân đội tiếp tục được triển khai liên tục, sâu rộng, gắn kết chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tham luận của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân cũng nêu lên 5 nội dung biện pháp cơ bản để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian tới và những năm tiếp theo.

Đồng chí Nguyễn Hồng Vinh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hoàng Hà

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, buổi tọa đàm hôm nay chính là dịp nung nấu thêm ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2 để mỗi người thêm nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sự có mặt của nhiều đại biểu, cả trong và ngoài Quân đội tại buổi tọa đàm cho thấy, Lời kêu gọi thi đua ái quốc có giá trị và sức sống lâu bền đối với đất nước ta. Quân khu 2 là địa bàn có biên giới trải dài, địa hình phức tạp, chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai, song quân và dân quân khu vẫn nỗ lực vươn lên, cùng quân và dân cả nước tiến hành kháng chiến thắng lợi, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu; đồng thời không ngừng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Đó là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Quân khu 2 trong suốt 70 năm qua, và cũng cho thấy việc chọn địa điểm tổ chức tọa đàm tại Quân khu 2 là sự lựa chọn đúng, trúng và giàu ý nghĩa.

Là người bạn thân thiết của cán bộ, chiến sĩ Quân khu 2, các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo QĐND  luôn gắn bó, đồng hành, khắc họa sinh động hình ảnh đẹp Bộ đội Cụ Hồ- người chiến sĩ Tây Bắc. Tại tọa đàm, Đại tá Phùng Kim Lân, Phó Tổng Biên tập Báo QĐND, đại diện cho những “chiến sĩ cầm bút” chia sẻ tình cảm, ấn tượng sâu sắc qua tham luận “Báo QĐND với hình ảnh người chiến sĩ Tây Bắc”. Đồng chí khẳng định lịch sử phát triển của Báo QĐND gắn liền với lịch sử và sự trưởng thành, lớn mạnh của đất nước, Quân đội, trong đó có đất và người Tây Bắc- quân và dân Quân khu 2. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Báo QĐND đã tổ chức tòa soạn tiền phương tại chiến trường Điện Biên Phủ, trực tiếp tác nghiệp, biên tập, in ấn, phát hành báo tại mặt trận. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mặc dù Quân khu 2 là hậu phương, song Báo QĐND vẫn bám sát địa bàn, phản ánh rõ nét tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và các phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”… Trong thời kỳ đất nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 2 càng trở nên gần gũi, thân thiết với cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo QĐND. Hình ảnh người chiến sĩ Tây Bắc trên Báo QĐND thông qua những việc làm cụ thể đã thiết thực góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Đại tá Phùng Kim Lân phát biểu tại tọa đàm.

Thể hiện tình cảm, trách nhiệm, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Quân khu 2 và nhân dân các dân tộc trên địa bàn quân khu trong thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Đại tá Nguyễn Hữu Trung, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 2 có tham luận “Hiệu quả của phong trào thi đua ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; Đại tá Phan Đình Ân, Chính ủy Cục Kỹ thuật Quân khu 2 có tham luận “Ngành Kỹ thuật Quân khu 2 thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy”; Thượng tá Nguyễn Ngọc Ngân, Phó chính ủy Sư đoàn 316 có tham luận: “Đẩy mạnh Phong trào Thi đua Quyết thắng ra sức xây dựng đơn vị VMTD, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được giao”; Trung úy Đỗ Khắc Trình, Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 có tham luận: “Tuổi trẻ Quân khu 2 quyết tâm thực hiện tốt lời Bác dạy”; đồng chí Viên Tiến Thăng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào, Sơn Dương, Tuyên Quang có tham luận “Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, quân và dân Tân Trào đẩy mạnh thi đua phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh”…

Sau một buổi sáng tổ chức, với tình cảm, tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu, tọa đàm “Quân khu 2 đinh ninh lời Bác dạy” đã thành công tốt đẹp. 25 tham luận của các nhà khoa học, tướng lĩnh, lãnh đạo các địa phương, cán bộ nghiên cứu và quản lý bộ đội đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học, tư liệu lịch sử và cứ liệu thực tiễn phản ánh chân thực, sinh động các mặt, các lĩnh vực công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị và LLVT Quân khu 2. Tọa đàm tiếp tục khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn và sức lan tỏa mạnh mẽ tư tưởng Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nêu bật những thành tích, kết quả của LLVT Quân khu 2 qua 70 năm thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Bác Hồ; đồng thời đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, qua đó động viên cán bộ, chiến sĩ Tây Bắc tiếp tục thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(Theo QĐND Online)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top