Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 09:14:55

Chiến công từ bộ phát điện và chiếc đèn “tự chế”

Ngày đăng: 01/03/2023

QK2 – Đến thăm Bảo tàng Hậu cần vào những ngày tháng 2 lịch sử, trong cái tiết trời se lạnh của mùa Xuân Hà Nội, trong rất nhiều những hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với bộ máy phát điện quay tay và chiếc đèn đi-na-mô xe đạp. Sáng kiến này đã được Đội Điều trị 4, Đại đoàn 304 sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bộ máy phát điện quay tay và chiếc đèn đi-na-mô xe đạp.


Tìm hiểu được biết, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội phải chiến đấu trong hầm hào, quân y cũng làm việc trong điều kiện tương tự. Trang thiết bị y tế thiếu thốn, kỹ thuật thô sơ. Sau mỗi trận mưa, hầm hào ngập đầy bùn, vì vậy hầu hết các vết thương sọ não, vết thương nội tạng, bụng, ngực đều bị nhiễm trùng nặng. Ở Tây Bắc có loại muỗi vàng hay bậu vào các vết thương, nên các vết thương phần mềm đều bị nhiễm trùng, gây đau đớn cho thương binh. Để xử lý vết thương, những chiến sĩ quân y đã triển khai các bộ phận chuyên môn mọi lúc, mọi nơi. Giường nằm của bệnh nhân chỉ là những hầm ếch trên vách hầm hào, mặt giường trải lá, lát phên nứa, phủ một lớp dù, và nhân viên buồng mổ đi chân trần, mặt bàn mổ là một mặt chõng, ánh sáng đèn mổ là mấy chiếc đèn bão.
Nhưng ánh sáng từ những chiếc đèn bão không đủ sáng, không thể rọi sâu vào trong ổ bụng và khoang lồng ngực. Đúng thời điểm ấy, Cục Quân y phổ biến sáng kiến sử dụng ánh sáng điện bằng cách lấy đèn pha xe đạp, lắp trên một khung xe và lắp thêm một bộ phát quay tay, được một y tá hoặc dân công ngồi quay. Đèn xe đạp được trưng dụng từ các đoàn xe thồ của dân công, nguồn điện phát ra từ  đi-na-mô xe đạp tương đương với dòng điện 12V. Bằng cách đó, đã có đủ ánh sáng tiến hành mổ, cứu sống được nhiều thương binh trong đêm và trong hầm tối. Đó chính là sáng kiến của Bác sĩ Trần Bảo, nguyên Viện trưởng đầu tiên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
NGỌC LINH
 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.