Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 07:22:36

Chỉ huy phó trồng hoa

Ngày đăng: 10/03/2016

Từ vùng đất vốn chỉ trồng cây rau màu, đến nay người dân ở làng Thượng xã Tiên Du, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một trong những mô hình tiêu biểu đó là đồng chí Lê Văn Trọng, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tiên Du, huyện Phù Ninh.
Những ngày giáp Tết nguyên đán Bính Thân, chúng tôi đến với vườn hoa của đồng chí Lê Văn Trọng, ở Làng Thượng, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh, những nụ hoa cúc vàng đại đóa, cúc sen tím, cúc pháo hoa chuẩn bị đến ngày khoe sắc, hứa hẹn mùa bội thu cho gia đình. Trao đổi với anh Trọng được biết: anh Trọng thích trồng hoa từ khi còn là sinh viên học ở Hà Nội, với lòng say mê, anh đã tìm đến làng hoa ở Mê Linh học hỏi kinh nghiệm trồng hoa. Mới đầu trồng thử nghiệm, nhưng khi thấy cây hoa đem lại nguồn thu cao hơn so với trồng màu, anh đã mạnh dạn trồng gần mẫu gồm hoa cúc, hoa ly, hoa lay ơn, hoa hồng và nhiều loại hoa khác. Theo anh Trọng, để có những sắc màu tươi thắm, bắt đầu từ khâu làm đất, chọn cây giống tốt.

Đ/c Lê Văn Trọng thu hoạch chanh.

Đ/c Lê Văn Trọng thu hoạch chanh.

Với sự năng động của tuổi trẻ, anh Trọng còn nghiên cứu tự đảm bảo cây giống, với phương pháp lấy từ ngọn của cây hoa bố mẹ, khi trồng ban đêm phải thắp điện để hoa trẻ lại và kéo cây cao lên, nhưng với cách làm này chất lượng hoa chưa được tốt, nên hiện nay anh Trọng đang rất trăn trở nghiên cứu để làm sao đảm bảo được cây giống, vừa đỡ vất vả mà đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Phạm Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Du, Phù Ninh khẳng định, mô hình trồng hoa của gia đình đồng chí Trọng là mô hình điểm rất là tốt cả về mặt quy mô, khối lượng, hàng năm cho giá trị kinh tế rất lớn, cũng là gia đình đứng đầu về nghề trồng hoa ở làng Thượng.
Không chỉ có vậy, khi nhận thấy thổ nhưỡng ở đây không những phù hợp với các loại hoa, Trọng còn mạnh dạn trồng cây chanh tứ thì. Hiện nay, vườn chanh với 150 cây được trồng gần 2 năm nay, cây nào, cây ấy đều sai trĩu quả, ước tính mỗi cây cho từ 30 đến 40kg quả. Để có được những quả chanh mọng nước và cho thu hoạch vào dịp tết là yêu cầu chăm sóc ngặt nghèo. Theo cách chăm sóc của Trọng, vào dịp đầu năm khi cây ra hoa phải hái bỏ bớt, sau đó để khô đất một thời gian rồi mới tưới nước, bón phân, chăm sóc cận thận để cho cây nảy lộc, ra hoa, kết trái, như vậy chanh mới cho thu hoạch vào dịp tết. Trong thời gian học tập trại Trường Quân sự tỉnh, đồng chí Trọng còn giới thiệu mô hình của mình tới các đồng chí cùng lớp tới tham quan, học tập và cung cấp cây giống, chuyển giao cách trồng, chăm sóc cho các đồng chí dân quân ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê. Trọng cho biết, vừa rồi đã chuyển giao được 500 cây cho các đồng chí trồng, đến nay cây phát triển khá tốt, hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao. Hiện nay trên với diện tích trên 1 mẫu trồng hoa và chanh, ước tính năm nay sẽ đem lại thu nhập trên 150.000.000đ.
Từ sự năng động của tuổi trẻ, tiên phong đi đầu về chuyển đổi cây trồng, Lê Văn Trọng đã góp phần đưa cây hoa làng Thượng cất cánh. Không khí hoa Tết đang vẫn còn, chính những con người nơi đây đã tạo ra sắc quê hương cho mùa xuân thêm lộng lẫy.
Bài, ảnh: TRỌNG LỘC

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.