Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 06:58:27

“Báu vật” của chiến sĩ Điện Biên

Ngày đăng: 14/05/2019

QK2 – Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua gần hai phần ba thế kỷ, nhưng đến hôm nay nhiều cựu chiến binh trực tiếp tham gia vẫn còn lưu giữ được những kỷ vật một thời “máu trộn bùn non”, gắn bó nơi chiến trường đầy gian khổ song rất đỗi tự hào. Có người còn giữ gìn nâng niu kỷ vật đó như một “báu vật” trong nhà, như cụ Nguyễn Duy Khang, xóm Phú Thịnh, thôn Đại Định, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc).

CCB Nguyễn Duy Khang tự hào giới thiệu với con cháu về kỷ vật chiến trường.

Cùng lãnh đạo Hội Cựu chiến binh xã Cao Đại đến thăm gia đình cụ Nguyễn Duy Khang và thật bất ngờ dù đã 88 tuổi đời, 59 năm tuổi Đảng nhưng cụ vẫn còn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nằm sâu trong ngõ của vợ chồng cụ Khang đang rộn tiếng cười vui. Mọi người được nghe kể về những năm tháng mà cụ và các đồng đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và nghe cụ giới thiệu về những huân, huy chương, vật kỷ niệm từ thời chiến trường. Trong số những kỷ vật ấy, có một kỷ vật mà cụ Khang cất sâu dưới đáy tủ, qua hai lần khóa mới lấy ra được, đó là chiếc áo bộ đội có gắn đầy đủ huân chương, huy chương mà cụ đã đạt được trong kháng chiến. Cầm chiếc áo màu xanh bộ đội đã cũ sờn cụ kể: Đây là chiếc áo mà tôi đã mặc nó suốt 4 năm trong quân ngũ; từ tập đội hình đội ngũ, hành quân, huấn luyện hoặc lăn lê bò trườn, chiến đấu trên chiến trường. Bởi lúc bấy giờ mỗi chiến sĩ chỉ có một hai bộ quân trang, rách thì vá, giặt xong phải chờ khô để mặc. Chiếc áo này tôi được cấp từ đầu năm 1952 lúc mới nhập ngũ, cho đến ngày xuất ngũ chuyển ngành sang Công ty Vận tải ô tô thuộc Bộ Giao thông, vận tải, tháng 6 năm 1956. Dù qua nhiều lần chuyển đơn vị công tác, đi đâu tôi cũng đem theo chiếc áo này, chưa một ngày rời xa nó. Với tôi chiếc áo là “báu vật”, là điểm tựa tinh thần, là linh hồn, nguồn sống mà tôi đã gìn giữ trong suốt gần 70 năm qua.

Ngoài một số hiện vật và chiếc áo, trong trí nhớ của cựu binh Nguyễn Duy Khang vẫn còn nhớ như in đèo Lũng Lô, Pha Đin, Mường Phăng, Đồi A1… nhớ cuộc hành quân từ huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, trong đội hình của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 vượt qua chặng đường gần 500 cây số để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ còn nhớ cả những lần sốt rét, đói ăn, thiếu mặc, song tình đồng chí đồng đội luôn ngập tràn, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, chấp nhận hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Theo các thành viên trong gia đình cụ Khang, hàng năm cứ gần đến ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5), các đồng chí cựu chiến binh trong thôn, xã từng tham gia chiến dịch lại gặp nhau ôn lại những kỷ niệm một thời chiến đấu nơi chiến hào. Và năm nào gia đình cụ cũng làm mâm cơm vừa là để thắp hương tưởng nhớ các đồng đội hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa là để liên hoan mừng ngày chiến thắng trọng đại của dân tộc. Không chỉ cụ Khang mà xóm Phú Thịnh, thôn Đại Định hiện còn 3 cụ cũng đã từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ như cụ Phùng Văn Khế, Lê Huy Hậu, Mầu Văn Thỉnh.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Bảy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cao Đại cho biết: Toàn xã hiện có 452 hội viên cựu chiến binh, trong đó có 33 cụ tham gia kháng chiến chống Pháp và có 8 cụ trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các cụ đều là những hội viên cựu chiến binh tiêu biểu, có gia đình hòa thuận, đầm ấm, sống gương mẫu, sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.