Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 09:08:17

Cảnh giác xử lý thông tin trên mạng xã hội

Ngày đăng: 18/04/2019

QK2 – Liên quan đến sử dụng thịt lợn nhiễm sán tại một trường mầm non vào tháng 3 vừa qua, một đối tượng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã bị cơ quan chức năng xử lý hình sự. Theo đó, trên tài khoản faceboook cá nhân, đối tượng này đã tải hình ảnh thịt lợn nhiễm sán trên Internet rồi đăng tải lên trang cá nhân kèm theo nội dung sai sự thật, về tình trạng sử dụng thịt lợn nhiễm sán ở trường địa phương mình, cần phụ huynh lên tiếng. Nội dung sai sự thật ấy gây hoang mang và bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Đặc biệt, trong thời điểm đó, trên mạng xã hội lại xuất hiện những hình ảnh, clip liên quan đến việc nhà trường cho học sinh ăn thịt lợn nhiễm sán, trong khi mẫu bệnh phẩm không còn để đưa đi xét nghiệm đã gây hoang mang, bức xúc trong dư luận nhân dân. Sự việc làm cho rất nhiều phụ huynh tại địa phương lo lắng đưa con em mình đi khám, xét nghiệm.

Trao đổi tâm tình giờ nghỉ giúp chiến sĩ thêm thông tin bổ ích cho cuộc sống.

Cũng vào những ngày cả nước đang nóng với vấn đề dịch lợn châu Phi, nhiễm sán, một phụ nữ nội trợ ở Lâm Đồng lại đăng tải hình ảnh kèm thông tin về lợn nhiễm bệnh chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, người phụ nữ này thừa nhận thông tin đăng tải chỉ là hình ảnh tự tải trên mạng về rồi đăng vào tài khoản cá nhân, chưa xác định được tính chính xác của thông tin. Sau khi đăng lên mạng xã hội, thông tin được rất nhiều người chia sẻ, bình luận gây hoang mang dư luận. Ngoài việc yêu cầu gỡ bỏ thông tin, đăng thông tin cải chính, người phụ nữ này bị cơ quan chức năng phạt tiền.

Những ngày đầu năm 2019, một thanh niên tại tỉnh Hải Dương đã phải chịu mức phạt là 10 triệu đồng do đăng tin sai sự thật trên mạng xã hội facebook. Người thanh niên này đã đăng hình ảnh một người bị thương, băng ở đầu lên trang facebook cá nhân, với nội dung người này bị cướp khi đi rút tiền tại cây ATM. Sau khi kiểm tra, đó chỉ là thông tin bịa đặt.  

Còn nhiều những trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, yêu cầu gỡ bỏ, cải chính, rồi phạt tiền, thậm chí xử lý hình sự. Qua đó thấy rằng mạng xã hội là mạng phổ cập rộng rãi, hầu như ai cũng có thể tiếp cận, đăng tải thông tin, tuy nhiên có lẽ chính những người đăng thông tin chưa lường hết hậu quả của những thông tin không đúng sự thật ấy; nó vô tình góp phần làm rối loạn tình hình xã hội, gây dư luận không tốt, hiểu nhầm trong nhân dân.

Với một số vụ vi phạm nêu trên rõ ràng mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước những đăng tải thông tin đăng trên mạng, dù đó là tài khoản cá nhân. Nếu sai sự thật, ảnh hưởng đến người khác đến xã hội đều bị cơ quan xử phạt hành chính hoặc xử lý theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân.

Mặt khác, khi đăng tin sai sự thật, nhất là liên quan đến những vấn đề an ninh trật tự xã hội, không đúng với chủ trương quan điểm của Đảng, đến quyền lợi quốc gia dân tộc thì rất dễ tạo cớ cho các thế lực thù địch phản động lợi dụng nói xấu Đảng ta, chống phá chế độ.

Mới đây, Thành ủy Đà Nẵng đã xem xét, thi hành kỷ luật một đảng viên có chức vụ quan trọng bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Lý do là cán bộ, đảng viên này đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên facebook, vi phạm quy định của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề đó, kẻ xấu, thế lực thù địch phản động đã thổi phồng, bình luận bằng những lời lẽ hằn học, nói xấu bản chất kỷ luật của Đảng ta, gây chia rẽ giữa Đảng với nhân dân bằng luận điệu “Đảng ghét – dân yêu” hay “Những người có tâm huyết đều ra đi, vậy trong đảng còn những ai”… Như thế, vô tình, những thông tin sai sự thật do cá nhân đăng trên mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ xấu có đất dụng “võ”, chống phá Đảng, làm rối loạn tình hình trong nước.

Còn nhớ, thời gian gần đây, các thế lực thù địch thường tổ chức những “chiến dịch” truyền thông trên mạng xã hội, kêu gọi biểu tình, tập hợp lực lượng để thực hiện âm mưu làm rối loạn tình hình đất nước, chống phá Đảng. Chúng thường lợi dụng các sự kiện, vấn đề trong nước để tung tin sai trái, thổi phồng sự thật; thậm chí tạo giả những hành động biểu tình, gây rối, những hành động phản ứng của người dân rồi quay video tung lên mạng xã hội, tuyên truyền sai sự thật; từ đó kêu gọi Việt Nam vi phạm nhân quyền, vu cáo lực lượng chức năng vô cớ bắt bớ, đánh đập người dân. Bên cạnh đó, chúng giả mạo địa chỉ wesite của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có uy tín để tung tin sai sự thật, tuyên truyền xuyên tạc khiến cho thông tin mạng xã hội trở nên thật – giả lẫn lộn, gây hoang mang, hoài nghi trong dư luận.

Mạng xã hội ngày càng phổ biến rộng rãi, gần gũi với đời sống. Mỗi người sử dụng mạng xã hội cần có trách nhiệm với bản thân và xã hội, nhận diện thông tin xấu, độc; đấu tranh vạch trần những thủ đoạn của những đối tượng đưa thông tin xấu, độc, sai trái lên mạng, không thể vô tình tiếp tay cho kẻ xấu lợi dụng chống phá, gây nguy hại, bất ổn trong xã hội.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.