Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 03:29:11

Cảnh giác với chiêu trò “tự do báo chí” của các thế lực thù địch

Ngày đăng: 25/04/2019

QK2 – Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lĩnh vực tư tưởng, văn hóa luôn được các thế lực thù địch sử dụng làm mũi nhọn để chống phá cách mạng Việt Nam bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn, phương tiện khác nhau. Mới đây, nhân việc Chính phủ phê duyệt “Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025”, trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch lại “râm ran” chiêu trò cũ với cái gọi là “tự do báo chí” nhằm xuyên tạc quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí.

Thực chất các luận điệu các thế lực thù địch là làm cho mọi tổ chức, cá nhân lầm hiểu rằng: Tự do báo chí (TDBC) là một quyền tuyệt đối; cổ súy các phần tử cơ hội, bất mãn, các đối tượng chống đối chế độ lợi dụng quyền tự do báo chí để tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Độc giả tham quan gian trưng bày Báo Quân khu tại Hội báo toàn quốc.

Ở nước ta, quyền TDBC được thể hiện cụ thể trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; được cụ thể hóa thành các điều luật ở các bộ luật, luật, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Báo chí năm 2016… gần đây nhất là Luật An ninh mạng năm 2018.

Ngay tại Điều 1, Luật Báo chí năm 2016 đã khẳng định về quyền TDBC, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, về tổ chức và hoạt động báo chí; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí; quản lý nhà nước về báo chí. Đây là sự luật hóa quyền TDBC và xác lập nội dung luật pháp tương ứng, nhằm tạo điều kiện bảo đảm tốt nhất cho việc thực thi quyền TDBC của mỗi tổ chức, cá nhân.

Luật Báo chí cũng quy định rõ: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện các quyền, nghĩa vụ và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không ai được lạm dụng quyền TDBC, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Nhà nước Việt Nam không chấp nhận báo chí tự do “ngoài vòng pháp luật”. Những cá nhân, tổ chức lợi dụng báo chí để xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lịch sử, kích động gây rối an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, can thiệp vào công việc nội bộ đất nước, tung ra những thông tin, hình ảnh độc hại không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc… sẽ bị nghiêm trị.

Thực tế cho thấy, Đảng, Nhà nước ta luôn giành được sự quan tâm lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt hoạt động của báo chí với chủ trương, đường lối nhất quán, nhân văn; chính sách phù hợp, hệ thống pháp luật chặt chẽ, mang tính khoa học, thực tiễn. Nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền TDBC của người dân. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có  gần 19.000 nhà báo được cấp thẻ. Các cơ quan báo chí đều có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, cơ sở vật chất ngày càng hiện đại và đội ngũ nhà báo luôn “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, hằng ngày, hằng giờ chuyển tải thông tin trong nước và quốc tế một cách khách quan, trung thực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người dân. Báo chí còn là diễn đàn, phương tiện phản biện xã hội, tích cực tham gia có hiệu quả trong đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xây dựng xã hội dân chủ, văn minh, tiến bộ.

Báo chí Việt Nam thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.

Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với báo chí và hoạt động báo chí. Báo chí luôn được xác định là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Với quan điểm quy hoạch phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.

Mục tiêu Đề án nhằm sắp xếp hệ thống báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí để phát triển hệ thống báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử; xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Đồng thời sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích; gắn với việc xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, quản lý báo chí của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là của người đứng đầu cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển báo chí trong tình hình mới.

Phải khẳng định rằng, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục khẳng định quyền TDBC trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; thực sự là luồng sinh khí mới để báo chí Việt Nam phát triển, đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm vì lợi ích của đất nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Bài, ảnh: NGÔ VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.