Thứ tư Ngày 17 Tháng 04 Năm 2024, 02:20:05

Cảnh giác với chiêu trò “mượn gió bẻ măng” của các thế lực thù địch

Ngày đăng: 13/04/2020

QK2 – Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam cũng như cả thế giới mỗi lúc một cam go, thử thách. Đến ngày 11/4, Hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam ghi nhận trên thế giới  gần 1,7 triệu trường hợp mắc Covid-19 tại 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có trên 100.000 trường hợp đã tử vong. Các nước có số người mắc bệnh dịch cao trên 100.000 trường hợp là: Hoa Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp… Còn tại Đông Nam Á, số ca mắc dịch bệnh tại các nước cũng tăng nhanh: Malaysia (4.346 trường hợp mắc, có 70 trường hợp tử vong), Philippines (4.195 trường hợp mắc, 221 trường hợp tử vong), Thái Lan (2.473 trường hợp mắc, 33 trường hợp tử vong), và Indonesia (3.512 trường hợp mắc, 306 trường hợp tử vong).

Lực lượng chức năng kiểm tra thân nhiệt trước khi công dân trở về gia đình sau khi hoàn thành thời gian cách ly. Ảnh: ĐỨC HẠNH

Tại nước ta, cùng thời điểm trên ghi nhận 257 trường hợp mắc tại 27 tỉnh, thành phố, trong đó 144 bệnh nhân đã khỏi bệnh; 113 bệnh nhân đang được điều trị trong 16 cơ sở y tế.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt và đã đạt hiệu quả xã hội tích cực. Số ca nhiễm tăng chậm. Trong cuộc chiến cam go thử thách ấy, mỗi người dân là một chiến sĩ. Toàn xã hội thay đổi phong cách giao tiếp và làm việc, thực hiện giãn cách xã hội. Ngành Y tế, Quân đội, Công an cùng nhiều lực lượng chính trị, xã hội khác trở thành lực lượng tiên phong đi đầu chống giặc dịch.

Giữa cuộc chiến diệt giặc dịch Covid-19, trong xã hội xuất hiện nhiều hành động đẹp, thể hiện tinh thần yêu nước, ý thức cộng đồng cao đáng được ghi nhận, biểu dương, đó là sự hy sinh, lao động quên mình vì các trường hợp cách ly tập trung cũng như quyên góp, gây quỹ ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch. Trong phong trào toàn dân ấy, đại đa số người dân “không có việc cần thiết thì không ra đường”. Có những chiến sĩ Quân đội cơ động ra lán dã chiến sinh hoạt, học tập công tác và phục vụ, nhường nhà, nhường phòng, chăn màn cho người cách ly tập trung. Có những cụ già hưu trí nghèo, sống chủ yếu bằng đồng lương hưu eo hẹp nhưng đã quyên góp cả tháng lương hưu hoặc một phần số tiền tích cóp dưỡng già cho công cuộc chống dịch. Có những em học sinh mang đến trung tâm tiếp nhận ủng hộ quỹ phòng, chống dịch con lợn nhựa được “nuôi” từ những đồng tiền lẻ cả năm trời. Lại có những cụ già yếu, đạp xe trên quãng đường nhiều cây số để mang thực phẩm, rau quả tươi đến cho những người ở khu cách ly tập trung có thêm nguồn dinh dưỡng tăng sức đề kháng chống dịch.

Ấy vậy mà trên một số trang báo mạng nước ngoài lại xuất hiện những thông tin nghi ngờ, suy diễn, phỉ báng những hành động cao đẹp ấy. Họ cho rằng, những chiến sĩ nhường cơm, sẻ áo, nhường nhà cho dân là những hành động mị dân, ép buộc; vì sao người già không nơi nương tựa lại có số tiền lớn để đóng góp; người neo đơn dù có tiền trợ cấp nhưng số tiền đó ăn còn chưa đủ không thể có số tiền lớn để đóng góp. Họ đâu hiểu rằng, những hành động cao đẹp trên là những tấm lòng, là cốt cách của con người Việt Nam, khi Tổ quốc bị lâm nguy thì tinh thần yêu nước, tinh thần nhân nghĩa “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”… lại bùng dấy lên, trở thành làn sóng cách mạng. Tất cả những suy nghĩ, tấm lòng, cử chỉ và hành động cao đẹp ấy góp phần tạo nên sức mạnh xã hội để thắng giặc dịch.

Bên cạnh đó, tổ chức phản động Việt Tân tiếp tục tung ra những chiêu trò kêu gọi Thủ tướng thả tù nhân vì dịch Covid-19 với lý do để thực hiện giãn cách xã hội; thả tù nhân để kiểm soát thật chặt tình hình dịch bệnh để không cho virus corona xâm nhập vào các trại giam vì điều kiện trong tù chật chội dễ lây lan dịch bệnh.

Đấy chỉ là những cái cớ, là chiêu trò “mượn gió bẻ măng, “đục nước béo cò” của những kẻ xấu, lợi dụng “chống dịch như chống giặc” để cổ súy cho những kẻ xấu, làm rối loạn xã hội. Họ không nghĩ cho lợi ích xã hội. Các tù nhân là những người từng có hành vi gây nguy hiểm, bị các cơ quan thực thi pháp luật xét xử, tuyên án theo quy định của pháp luật. Việc chấp hành các bản án trong nhà tù là biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn cái ác, cái xấu, phục hồi, tu dưỡng, rèn luyện để trở lại thành người tốt. Giãn cách trong trại giam cũng có thể thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội của Chính phủ, buồng nào biết buồng ấy, hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa cán bộ với phạm nhân.

Bên cạnh đó, trong thời điểm diễn ra dịch bệnh, tại một số địa phương, một số người thiếu hiểu biết tung tin thất thiệt, không đúng về dịch bệnh, võ đoán thiếu căn cứ và đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Những thông tin không đúng ấy gây hoang mang trong dư luận, làm rối loạn tình hình.

Chính vì vậy, mỗi người dân cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, tránh bị tác động bởi những thông tin không đúng sự thật, tránh bị kích động bởi những thông tin hoài nghi, phỉ báng hành động đẹp trong xã hội. Lấy cái đẹp dẹp cái xấu, giữ gìn trật tự, an ninh, thực hiện giãn cách xã hội là những việc làm cần thiết để phòng, chống có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh hiện nay.

VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.