Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 07:41:37

Cảnh giác với các hoạt động tà giáo

Ngày đăng: 05/05/2018

QK2 – Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn cả nước gia tăng sự xuất hiện của các nhóm hoạt động tôn giáo mang danh “Hội thánh đức chúa trời”. Với nhiều hình thức tuyên truyền, phát triển tổ chức, dụ dỗ, lôi kéo thành viên trái pháp luật, quy định giáo lý bất thường, nội dung truyền đạo trái với luân thường đạo lý, hoạt động của các nhóm này đã gây phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh đến cuộc sống của thành viên tham gia cũng như người thân của họ.

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018

Mẫu số chung của hoạt động giảng đạo tại các nhóm mang danh “Hội thánh đức chúa trời” là: Có một vị thần tối cao, thần của các vị thần, chúa của các vị chúa và nhóm người tự xưng “Hội thánh đức chúa trời” là những người con của những vị thần toàn năng trên. Nếu ai theo thì được vị thần tối cao ban hạnh phúc, bình yên, chở che qua mọi kiếp nạn, mọi tai ương. Cuộc sống hiện tại chỉ là tạm thời, chỉ cần đi lễ nhiều mà không cần làm vẫn có tiền, sẽ được sớm lên thiên đàng. Con người không phải do cha mẹ sinh ra, vì vậy việc thờ cúng ông bà, tổ tiên chỉ là thờ cúng ma quỷ… Đây là tư tưởng hết sức phản động và phản khoa học.
Qua phản ánh của báo chí và dư luận, những thành viên của các nhóm đạo này thường nhắm đến những người có tâm lý chưa ổn định như sinh viên, học sinh, những người phụ nữ nghèo khổ hoặc gặp hoàn cảnh éo le, trắc trở, bất hạnh để tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo ra nhập tổ chức. Chiêu thức tuyên truyền là chủ động tiếp cận, dùng lời lẽ ngon ngọn, tìm hiểu và chia sẻ hoàn cảnh để lấy lòng tin; tổ chức các buổi hội thảo, thuyết giảng. Một số nhóm mang danh tổ chức này còn tuyên truyền về một ngày tận thế rất gần, kích thích mọi người có tiền thì tiêu, bỏ công việc, phải tham gia cầu lễ và tích cực đi truyền đạo, nếu không tham gia hội khi chết sẽ bị đày đọa, ném vào vạc dầu sôi. Các đối tượng còn dụ dỗ cho những người tham gia uống nước thánh, “ăn thịt, uống máu”, thịt là bánh mì, còn máu là một thức nước hóa chất nào đó màu đỏ sẽ khỏi mọi bệnh tật, để cuộc sống ngày càng tươi sáng, có lối thoát, không phải làm gì cũng có tiền bạc, từ đó khiến nhiều người rơi vào trạng thái không còn tỉnh táo, bị tẩy não đến cuồng tín để sa chân vào hội và thực hiện theo những điều trái khoáy “hội thánh” đặt ra.
Các đối tượng mạo danh, núp bóng dưới một số hoạt động như làm gia sư, người bán hàng đa cấp, thuê nhà trọ để tiếp cận, tụ tập đối tượng giảng đạo khi chưa đăng ký cấp phép. Một số nhóm đối tượng còn lợi dụng danh nghĩa để thu tiền bất chính, yêu cầu nộp lệ phí nghe giảng đạo theo ca hoặc nộp 10% thu nhập để làm kinh phí hoạt động cho hội.
Được biết, “Hội thánh đức chúa trời” truyền vào Việt Nam từ năm 2001, do một số giáo sĩ Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam và một số cá nhân làm việc ở Hàn Quốc trở về tuyên truyền. Hội này đã phát triển ra nhiều tỉnh, thành ở cả thành thị, nông thôn, đồng bằng và miền núi.
Hoạt động của một số nhóm tự xưng “Hội thánh đức chúa trời” trên thực tế đã để lại những hậu quả khôn lường trong xã hội. Nhiều hoàn cảnh đáng thương, đã nghèo lại bê trễ công việc do ham mê khấn lễ. Con cái đang từ ngoan ngoãn trở nên lầm lì, tính tình bất thường, vô lễ với cha mẹ. Học sinh, sinh viên bỏ học đi lang thang, vợ chồng ly hôn, cha mẹ, con cái bất hòa, tình trạng đập bỏ bàn thờ tổ tiên xảy ra khá phổ biến, trái với thuần phong mỹ tục truyền thống đạo đức người Việt Nam.
Đến nay, nhiều địa phương, tổ chức, nhà trường… đã có những thông báo về hoạt động của các nhóm tự xưng danh tổ chức “Hội thánh đức chúa trời” và cảnh báo cho các thành viên, các nhóm đạo này có biểu hiện tà đạo bởi nhiều nội dung, chiêu thức, thủ đoạn truyền đạo trái pháp luật.
Pháp luật Việt Nam tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Hiến pháp 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định, “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Tôn giáo nào muốn hoạt động cũng phải đăng ký, được cơ quan chức năng cấp giấy phép mới được tổ chức hoạt động. Điều 18 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định một số điều kiện để tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, trong đó có điều kiện: Có giáo lý, giáo luật, lễ nghi; có tôn chỉ, mục đích, quy chế hoạt động không trái với quy định của pháp luật.
Về hoạt động của “Hội thánh đức chúa trời”, đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ đã có trả lời trên báo chí: Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các cơ quan liên quan đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật; kêu gọi người dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc…
Từ lâu nay, các tôn giáo ở Việt Nam đều thực hiện phương châm “tốt đời, đẹp đạo”, khuyên răn con người “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, các hoạt động đạo thể hiện “kính chúa, yêu nước. Những nội dung truyền đạo trái với luân thường đạo lý như ngày tận thế đang đến gần; con người không phải do cha mẹ sinh ra dẫn đến u mê, đập bỏ bát hương thờ cúng tổ tiên; bỏ nhà cửa và cuộc sống gia đình đi lang thang, sao nhãng học hành, công việc; nộp tiền nghe thuyết giảng… đó là những biểu hiện cụ thể của tà đạo. Vì vậy, các nhóm đạo nào tự xưng danh “Hội thánh đức chúa trời” mà hoạt động hành đạo khi chưa được cấp phép, tuyên truyền những điều trái với đạo đức xã hội kể trên là vi phạm pháp luật. Mọi người cần tránh xa những lời dụ dỗ lôi kéo tham gia; hạn chế cung cấp thông tin liên quan đến tên, tuổi, trường lớp, địa chỉ, nghề nghiệp, số điện thoại cho người lạ đồng thời báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lí, góp phần bảo đảm an ninh cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội; tránh gây phức tạp về tôn giáo, từ đó các thế lực thù địch, phản động can thiệp gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
VIỆT LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.