Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 10:39:33

Cần đánh giá khách quan, toàn diện về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người ở Việt Nam

Ngày đăng: 31/08/2022

QK2 – Mới đây, trong Báo cáo tình hình mua bán người (MBN) năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa công bố có nhận xét công tác phòng, chống tội phạm (PCTP) MBN của 188 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tự xếp Việt Nam trong nhóm 3, tụt 18 bậc so với năm 2021 (năm 2021, đánh giá Việt Nam thuộc nhóm 2). Điều đáng chú ý, báo cáo này có những nhận xét phiến diện, thiếu khách quan cho là “Việt Nam không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn tối thiểu để xóa bỏ nạn buôn người và không có những nỗ lực đáng kể để làm như vậy…”.

Lực lượng vũ trang Quân khu phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tuần tra, kiểm soát phòng chống tội phạm mua bán người qua biên giới.

Phản ứng trước sự việc vô căn cứ này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Bộ Ngoại giao Mỹ ra báo cáo năm 2022 về tình hình MBN trên thế giới với các thông tin không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống MBN của Việt Nam”.

Thực tế đã chứng minh, công tác PCTP MBN ở Việt Nam được tiến hành đồng bộ, toàn diện, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực từ truyền thông, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân của MBN… Việt Nam luôn không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách về phòng, chống MBN. Việt Nam có đầy đủ hệ thống các quy định pháp luật PCTP MBN mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng hội đủ. Đặc biệt, với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người”.

Theo Bộ Ngoại giao, trên bình diện quốc tế, về hợp tác đa phương trong PCTP MBN, Việt Nam là thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC), Công ước ASEAN về phòng, chống MBN, Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc MBN, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em (PN, TE), bổ sung cho Công ước TOC. Việt Nam cũng tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hiệp quốc; đồng thời đã ban hành Kế hoạch triển khai thỏa thuận này với các giải pháp cụ thể và toàn diện nhằm ngăn ngừa nguy cơ MBN trong di cư quốc tế. Trong hợp tác song phương, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác giữa Việt Nam với Campuchia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc và Anh về phòng, chống MBN. Lực lượng chức năng của Việt Nam thường xuyên trao đổi, phối hợp với các nước, nhất là các nước láng giềng tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm MBN. Các điều ước quốc tế, hiệp định song phương, đa phương, các thỏa thuận hợp tác về phòng, chống MBN mà Việt Nam là thành viên được triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả.

Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương luôn thể hiện trách nhiệm cao, thái độ kiên quyết trong phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm MBN. Công tác tuyên truyền được chú trọng đẩy mạnh trên nhiều kênh thông tin, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội và các tầng lớp nhân dân… Cùng với đó, chính sách về hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ hàng loạt chính sách với những hoạt động thiết thực, hiệu quả. 100% nạn nhân của MBN đều được các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm…, đã nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Công an, Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan đã triển khai đồng bộ, toàn diện, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, đấu tranh, truy quét tội phạm MBN, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng vi phạm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra, khám phá 33 vụ với 75 đối tượng phạm tội MBN và các tội phạm có liên quan, đề nghị truy tố 17 vụ; 66 nạn nhân từ các vụ MBN đã được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ…

Nhân Ngày thế giới phòng chống MBN và Ngày toàn dân phòng chống MBN (30/7) vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định nỗ lực và quyết tâm chung trong công tác PCTP MBN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bị mua bán. Việc ban hành quy chế phối hợp đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTP MBN.

Nhận thức rõ trách nhiệm và quyết tâm chính trị, cùng xã hội và cộng đồng trong PCTP MBN, vào đúng Ngày thế giới phòng chống MBN và Ngày toàn dân phòng chống MBN (30/7) vừa qua, tại tỉnh Sơn La, thừa ủy quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội tổ chức tọa đàm “Quân đội tham gia tích cực trong phòng, chống MBN” với sự tham gia của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các cấp, các ngành và 5 tỉnh biên giới trên địa bàn Quân khu 2 cùng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế, Tổ chức Trẻ em Rồng xanh tại Việt Nam.

Những nỗ lực của Quân đội, trong đó có LLVT Quân khu trong đấu tranh PCTP MBN góp phần quan trọng khẳng định sự nỗ lực và chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong thực thi Công ước Liên hiệp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm MBN, đặc biệt là PN, TE đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá là thành viên tích cực, trách nhiệm trong phòng, chống MBN. Đặc biệt, những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được quốc tế đánh giá là mang tính đột phá và toàn diện…

Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ những đánh giá không có căn cứ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Việc nhìn nhận, đánh giá không xác thực, thiếu khách quan, phiến diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tạo cớ để các thế lực thù địch suy diễn, xuyên tạc về công cuộc PCTP MBN nói riêng, công tác đảm bảo quyền con người ở Việt Nam nói chung. Việt Nam cam kết huy động tối đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong PCTP MBN, sẵn sàng trao đổi với các nước, trong đó có Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về các vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tiến tới đẩy lùi tội phạm MBN trên toàn thế giới.

Bài, ảnh: NGÔ VĂN

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.