Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 10:45:52

Biện pháp, kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra trong PCCR

Ngày đăng: 09/05/2016

QK2 – Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, thời gian qua trên địa bàn Quân khu liên tiếp xảy ra cháy rừng. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu, các đơn vị trong LLVT Quân khu đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng ngừa, dập tắt các vụ cháy rừng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Phóng viên Báo Quân khu đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Hà Thọ Khương, Phó trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn Quân khu về một số biện pháp, kinh nghiệm của LLVT Quân khu trong PCCR và những vấn đề đặt ra.

Thượng tá Hà Thọ Khương, Phó trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn Quân khu

Thượng tá Hà Thọ Khương, Phó trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn Quân khu.

PV: Trước những thiệt hại do cháy rừng, Phòng cứu hộ, cứu hộ, cứu nạn (CH-CN) đã có những giải pháp như thế nào để sớm phát hiện các vụ cháy rừng và tham gia ngăn chặn, khắc phục kịp thời?
Thượng tá Hà Thọ Khương: Trước hết chúng tôi nắm chắc tình hình thời tiết khí hậu thủy văn, đặc biệt là những vùng được xác định là xung yếu, thời điểm hanh khô và sau những đợt rét đậm, rét hại. Chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn QK, chú trọng các địa bàn hay xảy ra cháy rừng như: Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Giang, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Sở Nông nghiệp & PTNN, lực lượng kiểm lâm để nắm chắc tình hình thông tin các vụ cháy rừng trên từng địa bàn, theo dõi thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống cảnh báo cháy sớm của ngành kiểm lâm. Chỉ đạo các đơn vị cấp huyện, thị cử cán bộ phụ trách theo dõi từng địa bàn (xã, thôn bản) để nắm chắc tình hình. Các địa phương trên địa bàn tổ chức canh trực ở những khu vực trọng yếu, nguy cơ cháy cao như Lào Cai, Lai Châu đã làm.
Giải pháp không thể thiếu được đó là phải chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là nhận thức của bà con dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về mọi mặt để bà con nâng cao ý thức trong PCCR. Có nơi đã làm tốt việc ký cam kết bảo vệ rừng, xây dựng các qui ước bảo vệ rừng. Phát huy tối đa các phương tiện thông tin để cảnh báo và thông báo thời điểm, vị trí cháy để kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ.

PV: Để huy động cán bộ, chiến sỹ các đơn vị tham gia chữa cháy rừng, Bộ Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị tập trung đảm bảo lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” cụ thể như thế nào?
Thượng tá Hà Thọ Khương: Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình nên với chức năng là cơ quan tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân khu về công tác CH-CN, trong đó PCCR là nhiệm vụ cấp bách, nhất là trong thời điểm hiện tại.
Thứ nhất: Ngay từ đầu năm, Bộ Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là Bộ CHQS các tỉnh rà soát, điều chỉnh kế hoạch PCCR cho phù hợp với điều kiện hiện tại từ hệ thống chỉ huy đến lực lượng, phương tiện và nhiệm vụ trên từng khu vực, từng địa bàn. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, trong đó lực lượng, phương tiện tại chỗ là chủ yếu, khi vượt quá khả năng mới điều động lực lượng của trên.
Thứ hai: Chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh chú trọng việc tổ chức hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn, ngoài hiệp đồng trên kế hoạch, các đơn vị cơ sở phải tổ chức hiệp đồng ngoài thực địa đến tận cấp thôn bản để khi có tình huống xảy ra, các đơn vị nhận lệnh là thực hiện được ngay, các đơn vị qua hiệp đồng xác định được phương án sát thực tế, bảo đảm đường cơ động đến vị trí thuận tiện và nhanh nhất, hiệu quả cao nhất.
Thứ ba: Thường xuyên kiểm tra các đơn vị trong việc tổ chức chuẩn bị, huấn luyện, diễn tập theo phân cấp, nâng cao nhận thức và trình độ xử lý các tình huống cho cán bộ, chiến sỹ các cấp trong thực hiện nhiệm vụ PCCR.

Dân quân huyện Mường Ảng (Điện Biên) tham gia chữa cháy rừng tại xã Ẳng Nưa tháng 4-2016.                         Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

Dân quân huyện Mường Ảng (Điện Biên) tham gia chữa cháy rừng tại xã Ẳng Nưa tháng 4-2016. Ảnh: THÀNH CHƯƠNG

PV: Đồng chí cho biết một số kinh nghiệm rút ra trong việc xây dựng các phương án chỉ huy, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng PCCR?
Thượng tá Hà Thọ Khương: Bộ CHQS các tỉnh phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các Sở NN&PTNN, Chi Cục kiểm lâm, công an các tỉnh để xây dựng phương án, chú ý đến những khu vực trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao. Phải huy động tối đa lực lượng, phương tiện tại chỗ, phát huy khả năng bảo đảm các mặt tại chỗ và chỉ huy tại chỗ, chỉ đề nghị tăng cường khi vượt quá khả năng của địa phương.
Trong chỉ huy điều hành, phải thống nhất giữa các lực lượng, khi tham gia chữa cháy rừng, chỉ huy của đơn vị quân đội chịu sự điều hành của BCH PCCR địa phương, tham mưu đề xuất cho Ban chỉ huy PCCR huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng. Chú trọng bảo đảm thông tin cho chỉ huy các lực lượng.
Diễn biến trong suốt quá trình tham gia phải được cập nhật thông tin liên tục giữa các lực lượng và báo cáo lên trên theo phân cấp, đúng qui định và kịp thời để có phương án chỉ huy điều hành tiếp theo.
Khi tổ chức hiệp đồng phải chỉ rõ nhiệm vụ của từng lực lượng và duy trì thông tin thường xuyên giữa các lực lượng, tuyệt đối chấp hành sự điều hành của Ban chỉ huy PCCR địa phương, phối hợp chặt chẽ với các LL khác. Gần đây vụ cháy rừng lớn ở Sơn La, Yên Bái, Điện Biên… các địa phương đã thể hiện rất rõ sự phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia.

PV: Khi làm nhiệm vụ PCCR thì các biện pháp bảo đảm sức khỏe cho bộ đội được thực hiện ra sao?
Thượng tá Hà Thọ Khương: Cháy rừng thường xảy ra ở những nơi xa khu dân cư, địa hình phức tạp, hẻo lánh, đường cơ động khó khăn, độ dốc cao hạn chế rất nhiều cho công tác bảo đảm. Do đó, ở chế độ thường xuyên, các đơn vị đã chú trọng làm tốt công tác chuẩn bị từ quân tư trang, dụng cụ phương tiện tham gia chữa cháy cũng như công tác bảo đảm đời sống: lương thực, thực phẩm, lương khô, nước uống, quân y, nhà bạt. Khi có lệnh là thực hiện được ngay, bộ đội có đủ sức khỏe để làm nhiệm vụ được ngay. Khi làm nhiệm vụ trực tiếp, bộ đội được hưởng chế độ ăn bồi dưỡng theo Thông tư 92/2009 của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.
Thực hiện nhiệm vụ dài ngày, đơn vị sẽ có kế hoạch bảo đảm tiếp theo, trong đó khai thác triệt để lương thực, thực phẩm tại chỗ. Ngoài ra còn có sự giúp đỡ chu đáo của nhân dân địa phương (vụ cháy rừng Hoàng Liên dịp Tết Nguyên đán năm 2010, bà con nhân dân thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa đã huy động nhiều ô tô bánh chưng, thịt, rau xanh, bánh kẹo động viên hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ tham gia chữa cháy rừng đón tết tại hiện trường và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội làm nhiệm vụ).
PV: Xin cảm ơn đ/c!

Công tác an toàn cho bộ đội khi tham gia chữa cháy rừng?
Quán triệt phương châm “an toàn là trên hết” khi tổ chức cho bộ đội tham gia chữa cháy rừng, người chỉ huy phải rất nhạy bén, quyết đoán, xác định đúng vị trí để triển khai bảo đảm an toàn cho bộ đội. Vị trí triển khai phải tránh được ngạt khói, bỏng do nhiệt lớn. Biện pháp cụ thể: Phát băng cản lửa để khống chế vùng cháy bằng cưa máy, cưa tay, dao phát… Đội hình triển khai dập lửa phải trước hướng gió, dụng cụ thô sơ như vỉ, cành cây tươi phải chắc chắn, không dùng cành cây khô dễ gây nguy hiểm bỏng cho bộ đội.
Luôn quán triệt tư tưởng cho bộ đội về công tác an toàn, kể cả trong quá trình cơ động. Đây cũng là biện pháp thường xuyên nhưng mang tính quyết định. Công tác an toàn phải được đặt lên hàng đầu, nếu để xảy ra thương vong cho bộ đội thì kết quả cũng không bao giờ đạt hiệu quả cao.

XUÂN PHÚ (Thực hiện)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.