Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 05:34:06

Bên dòng Lô giang

Ngày đăng: 23/03/2020

QK2 – Dòng sông cũng như dòng đời, cứ mải miết chảy mãi, bồi đắp phù sa cho đôi bờ. Mỗi khúc sông chảy qua bờ bãi, vùng đất và thấm vào hồn quê, hồn làng và tâm hồn con người. Sông Lô hiền hòa, thơ mộng bao đời nay cũng không nằm ngoài quy luật ấy của thủy trình biết bao dòng sông trên đất nước Việt Nam. Bên dòng Lô giang, những câu chuyện gắn với dòng sông nơi đây như gợi lên từ làn nước xanh thẳm soi bóng đôi bờ…

Tượng đài chiến thắng sông Lô bên dòng Lô giang.

NƠI IN DẤU CHÂN BÁC

Ngược dòng Lô giang, chúng tôi dừng chân ở xã Yên Kiện (Đoan Hùng – Phú Thọ), tìm về những dòng tư liệu lịch sử được ghi chép trong đền thờ, nhà lưu niệm Bác Hồ nơi đây. Vào những ngày cuối năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ bước vào giai đoạn cam go, trong hành trình rời Hà Nội lên Việt Bắc lập căn cứ địa kháng chiến, Bác đã chọn Phú Thọ là nơi dừng chân. Khi ấy, Phú Thọ là vùng rừng núi hiểm trở, cây cối rậm rạp, nên rất thuận tiện cho việc hoạt động bí mật. Vì thế, vào đầu tháng 12-1946, đồng chí Trần Đăng Ninh, phụ trách đội công tác Trung ương về Phú Thọ trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy chuẩn bị sẵn một số địa điểm để Bác và cơ quan Trung ương đến ở và làm việc khi cần thiết.

Thi hành chỉ thị cấp trên, Tỉnh ủy Phú Thọ đã khẩn trương chuẩn bị. Mọi địa điểm đều được đồng chí Trần Đăng Ninh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ xem xét cẩn thận và quyết định chọn 3 xã ở 3 huyện: Xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông; xã Chu Hóa, huyện Lâm Thao, nay thuộc thành phố Việt Trì và xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng. Cả 3 xã này đều là nơi có phong trào cách mạng sớm, chính quyền và các đoàn thể quần chúng vững, lại nằm gần quốc lộ, thuận tiện giao thông nhưng lại kín đáo, đảm bảo được bí mật.

 Trên chặng đường di chuyển, ngày 30 tháng 3 năm 1947, Bác đã dừng chân tại xã Yên Kiện (Đoan Hùng), Bác đã lưu lại và làm việc tại đây trong ba ngày 30, 31 tháng 3 và ngày 1 tháng 4 năm 1947 tại nhà ông Nguyễn Hữu Đa – Chủ nhiệm xã bộ Việt Minh xã Yên Kiện. Trong khoảng thời gian ở tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Chính phủ, Nghị viện, nhân dân Pháp và các nước dân chủ trên thế giới, đồng thời Bác đã ký hai sắc lệnh: Sắc lệnh số 39, hủy bỏ tất cả tem trước bạ và giấy tín chỉ đã lưu hành trước ngày 19/12/1946, ấn định cách thức thu thuế và tem trước bạ mới; Sắc lệnh số 40, cho phép một kiều dân Trung Hoa nhập quốc tịch Việt Nam. 

Mỗi khi về thăm Đoan Hùng, chúng tôi cảm nhận như còn đâu đây bóng hình Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

TƯỢNG ĐÀI BẤT TỬ BÊN DÒNG LÔ 

Mỗi khi đến thăm xứ sở bưởi Đoan Hùng bên dòng Lô giang, du khách đều đến thăm Tượng đài chiến thắng sông Lô, một khu di tích lịch sử văn hóa gồm tượng đài, nhà trưng bày và các hiện vật, hầm hào trên Gò Đồn thuộc khu Hưng Tiến, thị trấn Đoan Hùng. Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn ghi nhớ mãi những chiến tích nơi dòng Lô anh hùng.

Với lòng yêu nước, ý chí, sự đoàn kết, quân và dân ta đã cắt đứt hướng tấn công với âm mưu thâm độc của thực dân Pháp trên con đường lên chiến khu Việt Bắc. Nơi đây, dòng Lô giang xanh thẳm đã trở thành bản trường ca lịch sử về ý chí và tinh thần dân tộc. Chiến thắng sông Lô đã trở thành biểu tượng sức mạnh và niềm tin của quân và dân ta nơi chiến khu Việt Bắc. Đứng trên Gò Đồn cao, khung cảnh bốn phía là một không gian bốn bề thoáng đãng và ngợp sắc xanh. Phía trước là dòng sông Lô xanh thẳm chảy hiền hòa, phía sau là cây cầu vắt ngang dòng sông, xa xa là những xóm làng, những vườn bưởi đang độ chín vàng.

Mỗi bức tượng, mỗi tư thế đứng của quần thể tượng đều chạm khắc một vẻ đẹp và thể hiện sức mạnh của tinh thần yêu nước. Đó là tư thế đứng hiên ngang, tay phải giơ cao khẩu súng, tay trái giơ về phía trước thể hiện tư thế chiến thắng của người chiến sĩ sông Lô, là dáng đứng thẳng, hai tay nắm chắc khẩu súng trường, tầm mắt nhìn ra xa dòng sông Lô trong tư thế sẵn sàng chiến đấu… Tất cả tạo nên một quần thể tượng đài vững chãi, ngời lên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của quân và dân trong kháng chiến. Phía dưới chân Tượng đài là những đường hầm, hào dọc ngang, là nhà trưng bày với những hình ảnh còn vẹn nguyên những tháng ngày quân và dân Việt Bắc vùng lên chặn đường tấn công của giặc Pháp, những khẩu pháo được lưu giữ như chứng tích của một thời oanh liệt.

ÂM VANG BẢN TRƯỜNG CA

Dòng Lô giang cứ lững lờ trôi theo năm tháng, cứ tỏa sắc xanh ngọc của màu nước bốn mùa dưới nắng chiều. Sông mang trong lòng nó bao sự kiện, bao câu chuyện về cuộc trường chinh, về đất và người nơi đây. Để rồi, từ dòng chảy ấy, từ những câu chuyện ấy, dòng sông đã đi vào những ca từ của những bản trường ca bất hủ. Đứng bên bờ sông Lô, bên tượng đài chiến thắng sông Lô sừng sững, hiên ngang, trong lòng chúng tôi như dậy lên những ca từ hùng tráng, vang vọng, những lời hát trữ tình về sông Lô.

Văng vẳng đâu đây những ca từ mà nhạc sĩ Văn Cao gửi vào Trường ca sông Lô: “Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/ Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/ Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/ Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa”.

Dòng sông ấy ghi dấu mối tình của người lính chiến với cô gái xứ Tuyên để rồi, mỗi lần đến đây, nghe sông kể chuyện, nghe sông hát, ta như thả hồn mình trôi theo dòng Lô để tâm hồn miên man mãi không thôi: “Sông Lô chiều cuối năm, ai tìm về bên ai, ta tìm về bên em”. Tiết trời se sắt nhưng những ca từ vang lên dìu dặt như ấm áp trong tâm hồn.

Về sông Lô để ngắm nhìn đôi bờ đang ngời lên sức sống, để nghe sông kể chuyện chiến công xưa, để nghe sông hát những bản trường ca bất tận. Sông Lô chảy từ nơi Việt Bắc đại ngàn, về nơi đây giữa rừng bưởi chín, về nơi đây nghe trong làn gió se lời vọng về từ ngàn xưa…

NGUYỄN THẾ LƯỢNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.