Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 06:02:55

Bắt nhịp tương lai

Ngày đăng: 23/12/2020

“Giả ninh ho đăng – con đi học đây”, đấy là câu chào ông bà, bố mẹ của đám trẻ dân tộc Dao Áo dài thôn 1, 2 Yên Lập, xã Yên Phú (Hàm Yên) mỗi buổi sớm mai. Bọn trẻ như đàn chim ríu rít gọi nhau đến lớp. Điều này, xưa nay ở đây chả mấy ai bận tâm, bởi người ta nghĩ, có học cũng chả đi đâu nổi khỏi cái thôn làng này. Nhưng nay, bà con đã nghĩ khác rồi, với họ cái chữ là ngọn nguồn bắt nhịp tương lai con trẻ…

Ấm tình dân bản

Trường Tiểu học Yên Hương được tách ra từ trường Tiểu học Thống Nhất năm 1998, khi xã Yên Hương điều chỉnh địa giới, chia thành hai xã Yên Phú và Yên Lâm.

Địa hình nơi này phức tạp, chia cách bởi những khe, suối, đồi núi, nhìn ngút tầm mắt nhà này mới thấy nhà kia. Điều này khiến chuyện học của con trẻ trở nên khó khăn bội phần, có khi 9, 10 tuổi rồi mới đi học vỡ lòng, có đứa trẻ không biết chữ. Người già ở đây kể lại, cũng bởi khó khăn như thế mà cả vùng này ít quan tâm đến cái chữ. Nhưng rồi, ai cũng nhận ra rằng, không học chữ thì không có con đường thoát nghèo. Thế là, từ những năm 90 của thế kỷ trước, người làng, người bản bảo nhau góp công, đồng lòng hỗ trợ dựng nhà lớp học để cô giáo về dạy chữ từ nhóm lớp Mầm non đến Tiểu học. Điểm trường Trò được hình thành ở thời điểm này.


Một buổi học của cô trò điểm trường Trò, thôn 1, 2 Yên Lập, xã Yên Phú (Hàm Yên).

Chị Hà Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Hương, xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết, hiện toàn xã có 3 điểm trường và 1 trường chính, điểm Nguyễn ít nhất chỉ có 49 học sinh, điểm Trò 95 học sinh, điểm còn lại có trên 100 học sinh ở các nhóm lớp Mầm non và Tiểu học. Điểm trường Trò xưa còn khó khăn lắm, người dân chưa quan tâm đến học chữ nhưng từ khi có các cô giáo về cắm bản, cái chữ đã bắt đầu bén vào từng nếp nhà, bọn trẻ được đi học đều đặn, giờ không có học sinh bỏ học giữa chừng như trước nữa rồi.

Ngồi sau xe máy cô giáo Hoàng Thị Hương, giáo viên “cắm” bản ở điểm trường Trò hơn 20 năm tôi càng cảm phục “bản lĩnh” của người phụ nữ này. Nhìn cô nhỏ nhắn nhưng lái xe điêu luyện thật, là bởi đường cua gấp nhỏ hẹp, có đoạn dốc dựng đứng mà cô vẫn cứ đi băng băng. Cô Hương bảo, giờ đường thuận lắm rồi, chứ trước vào bản chỉ biết vén cây rừng mà đi. Cô mặc chiếc áo mưa lấm lem bùn đất nhưng ánh mắt, nụ cười thật tươi và hồn hậu. Cô Hương chia sẻ, trước mới nhận nhiệm vụ, cô cũng lo lắng lắm chứ nhưng khi vào tới đây, mọi thứ còn khó khăn thật, trong lòng không nản mà trào dâng một tình thương yêu dành cho bọn trẻ. Cô nghĩ, nếu mình ngại khổ thì đám trẻ kia bao giờ mới được học chữ. Tự nhủ như vậy thấy vững tâm hơn và càng muốn cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Nhà lớp học là nhà tạm, lợp lá cọ, có khi thiếu lá cọ thì lợp cỏ gianh. Ở với người Dao lâu rồi cô hóa thành người Dao, hiểu được tiếng Dao nên mọi giao tiếp với bà con thuận lắm. Có buổi cô về nhà, khi trở lại lớp gặp trời mưa to, nước suối dâng cao, dân bản đổ ra tận nơi kéo cô qua suối rồi đưa về bản. Họ bảo, phải đưa cô giáo về bản mình chứ, bọn trẻ nó cần cô, không có cô không có con chữ đâu. Nghe những câu nói mộc mạc đấy, nước mắt cô cứ rịn ra, cứ muốn ở mãi nơi này dạy chữ cho đám trẻ…

Nhân thêm con chữ

Điểm trường thôn Trò trước đây còn khó khăn lắm. Thường thì vào năm học mới dân bản cùng các thầy cô góp công, góp của tu sửa nhà lớp học cho các con. Nhưng nhà lớp tạm sao chắn được gió bão, có năm bão tới tốc bay mái, liêu xiêu điểm trường, dân bản lo cái lớp bị “ngã” thì cô trò học tập ra sao. Dần rồi lớp học Mầm non, dãy nhà lớp 1 đến lớp 4 được Nhà nước đầu tư xây dựng, còn lại dãy nhà lớp 5 vẫn là nhà tạm, bởi kinh phí eo hẹp. Vậy nên rất cần những “mạnh thường quân” hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất để nhân thêm con chữ. Phát huy vai trò tiên phong trong hỗ trợ “tam nông”, Agribank Việt Nam đã vào cuộc phối hợp với tổ chức Đoàn trên địa bàn triển khai xây dựng cơ sở vật chất cho điểm trường Trò.

Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Agribank Tuyên Quang cho biết, thời gian qua, Agribank Việt Nam phối hợp với Agribank tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục ở các xã vùng đặc biệt khó khăn như xây dựng mới trường Tiểu học Khuôn Hà (Lâm Bình), trường Mầm non Kim Quan (Yên Sơn) và nay là điểm trường Trò, trường Tiểu Học Yên Hương. Theo đó, Đoàn thanh niên Agribank Việt Nam tài trợ 180 triệu đồng để xây dựng 1 nhà lớp học tại điểm trường; trao 95 cặp sách, áo  phao và 1.000 quyển vở trị giá 30 triệu đồng cho học sinh tại điểm trường. Đây thực sự là món quà ý nghĩa, thể hiện văn hóa doanh nghiệp của Agribank mong muốn học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được học tập trong điều kiện thuận lợi hơn.

Nhà lớp học tại điểm trường Trò được xây dựng mới mang lại niềm vui khôn tả cho giáo viên, học sinh và người dân nơi này. Cô giáo Tạ Thảo Hiền vào nghề được 2 năm thì có hơn 1 năm dạy tại điểm trường Trò. Nhà cô ở thị trấn Tân Yên, phải đi làm từ tờ mờ sáng đến khi tối nhá nhem mặt người mới về đến nhà. Cô bảo, được hỗ trợ xây dựng trường đẹp thế này thực sự là động lực cho cô và đồng nghiệp yêu nghề hơn, dạy thật nhiều cái chữ cho bọn trẻ. Giáo viên vất vả nhưng có thể vươn mình gồng gánh con chữ lên non nhưng học sinh khổ thì làm sao mà học con chữ tốt được. Có trường đẹp, tương lai bọn trẻ sẽ tốt đẹp, cô Hiền tin như vậy.

Anh Đặng Văn Tú, Phó Bí thư Chi bộ thôn 1 Yên Lập, xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết, điểm trường Trò thuộc thôn 1, 2 Yên Lập. Người già trước kia thường kể rằng, tương truyền có tên Trò là bởi, xưa đám trẻ nơi này yêu chữ lắm nhưng không biết đi học ở đâu nên nhà trời cử một bà tiên xuống dạy chữ. Bà tiên vui vẻ lắm, lúc nào cũng nở nụ cười gọi các trò lại đây ta dạy chữ. Có hôm, bà về trời rồi quay lại không thấy đám trẻ đâu, bà thảng thốt gọi “các trò ơi, trò ơi”… đám trẻ từ đâu chạy về, mặt đứa nào đứa ấy nhem nhuốc, lấm lem bùn đất, bà lau mặt cho từng đứa, rồi xếp bằng cùng đám trẻ ê a con chữ. Khi đám trẻ trong bản biết hết chữ, bà bay về trời, từ đấy, không thấy bà đến bản nữa. Người bản thương nhớ bà, đặt tên khu đó là Trò là như thế. Nay có lớp mới rồi, con chữ mở ra những con đường mới, người bản sẽ giàu có lên từ phát triển kinh tế rừng. Bản có 70 hộ thì có 70 ha rừng, đây là một lợi thế lớn. Trồng rừng đâu phải cứ đưa cây xuống đất là đã được ăn mà phải có khoa học, mà muốn tiếp thu được khoa học thì phải học chữ. Vậy nên, chăm lo việc học để mở đường lập nghiệp cho bọn trẻ sau này là cần lắm – anh Tú nhấn mạnh. Học hành đến nơi đến chốn sẽ giúp cho cây rừng sinh sôi mãi ra. Anh Tú còn mong xa hơn, sau này bản anh sẽ làm rừng FSC để sinh khối lớn, bảo vệ môi trường và hơn hết là đạt tiêu chuẩn quốc tế, khi đó giá trị gỗ tăng lên, cuộc sống sẽ đổi thay từ đó. Đến giờ, cả hai thôn tất cả con trẻ đều theo học từ bậc Mầm non cho đến Tiểu học, mừng lắm! Anh Tú nói.

Niềm hân hoan của người dân từ chuyện học hành của con trẻ cứ lan mãi ra khắp xóm bản. Rồi đây, cuộc sống ở vùng khó khăn này sẽ đổi thay bắt nguồn từ con chữ…

(Theo Báo Tuyên Quang)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.