Thứ năm Ngày 18 Tháng 04 Năm 2024, 10:14:23

Bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam

Ngày đăng: 15/06/2020

QK2 – Tự do ngôn luận và tự do báo chí là hai yếu tố hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của mỗi quốc gia. Sự phát triển của báo chí Việt Nam ngày nay cho thấy những quyền nói trên đã được bảo đảm không chỉ bằng luật pháp mà còn trong thực tế. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, đến nay, nước ta có trên 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, hơn 18.000 nhà báo được cấp thẻ và hơn 22.000 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt đã có hơn 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua Internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin của các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội nghị sơ kết công tác phối hợp tuyên truyền nhiệm vụ QS-QP Quân khu 2 với các cơ quan báo chí.

Lợi dụng sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch và một số phần tử cơ hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, phê phán Việt Nam không có tự do ngôn luận, báo chí, công kích các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến lợi dụng tự do ngôn luận để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước ta trên các trang mạng xã hội, họ vu cáo Việt Nam là “áp đặt quyền tự do ngôn luận”, “vi phạm các công ước quốc tế về quyền con người”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam rất coi trọng việc phát huy tự do tư tưởng, tự do báo chí. Người nói giản dị nhưng rất dễ hiểu về mối quan hệ biện chứng giữa tự do ngôn luận và trách nhiệm công dân: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”.

Thực chất “Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” ở nước ta đã được quy định tại Điều 25 Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013); đồng thời được cụ thể hóa trong nhiều luật, nghị định, như: Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016), Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…, hoàn toàn trên cơ sở đối với các văn kiện quốc tế về quyền con người, quyền tự do ngôn luận, báo chí. Mặt khác, các văn kiện của quốc tế về nhân quyền đều khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết”… xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”. Quy định này, mặc nhiên thừa nhận dân tộc Việt Nam có quyền tự quyết định con đường của riêng mình, không một quốc gia, một thế lực bên ngoài nào có thể can thiệp. Quy định này cũng chỉ rõ, quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân đều do pháp luật của mỗi quốc gia quy định, không thể mang pháp luật của quốc gia này áp đặt vào quốc gia khác, dân tộc khác, điều đó cũng tương đồng với việc không thể đem quyền và nghĩa vụ công dân ở quốc gia này áp dụng vào quốc gia khác như việc một số bài trên mạng xã hội tuyên truyền “giá trị dân chủ phương Tây cho Việt Nam”.

Thực tế cho thấy, Việt Nam là một quốc gia không vi phạm quyền giám sát của người dân. Nhiều năm qua, trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn khuyến khích báo chí và nhân dân tham gia chống tham nhũng, nhiều vụ việc tham nhũng gần đây bị điều tra, xử lý có phần đóng góp quan trọng do báo chí và người dân phát hiện. Cũng thông qua báo chí, truyền thông đã kịp thời đấu tranh vạch trần bản chất các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc những tổ chức, cá nhân núp bóng dân chủ, nhân quyền nhằm xuyên tạc tự do báo chí của Nhà nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính đều được quan tâm và đầu tư. Báo chí ngày nay là một kênh quan trọng để các cơ quan chức năng bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát hợp hơn cuộc sống của nhân dân. Với vai trò phản ánh và tham gia phản biện xã hội, phát hiện, biểu dương nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, báo chí đã tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả trong chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn xã hội, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng mắc mưu trước những luận điệu xuyên tạc và phản động của các thế lực thù địch trên không gian mạng.

MẠNH LINH – ĐỨC ANH

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.