Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 06:15:44

Bảo vệ những giá trị của Quốc tế Cộng sản

Ngày đăng: 11/03/2019

QK2 – Năm nay, nhân dân Việt Nam và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Cộng sản (QTCS) – Quốc tế III – ra đời (3/1919-3/2019) và tiếp tục khẳng định những giá trị đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (PTCS&CNQT). Vào thời điểm này, các thế lực thù địch với CNXH lại tăng cường xuyên tạc rằng, QTCS đã sụp đổ cùng với sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu. Trong số đó, không ít người vốn đã từng là đảng viên Đảng Cộng sản (ĐCS), nay cho rằng mình đã “lầm đường, lạc lối”. Còn đối với những người cộng sản chân chính, QTCS vẫn đang chứng tỏ tính tất yếu, sự lan tỏa và sức sống mãnh liệt của nó trên thế giới.

Trải qua gần một phần tư thế kỷ hoạt động (1919-1943), Quốc tế Cộng sản do V.I.Lê-nin sáng lập và lãnh đạo đã không ngừng đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp vô sản và nhân dân lao động tất cả các nước, vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội, thực sự là một tổ chức cách mạng rộng lớn nhất, là một Đảng Cộng sản thế giới. Quốc tế Cộng sản đã chỉ đạo và giúp đỡ việc thành lập đảng cộng sản theo kiểu mới ở nhiều nước, xác định đường lối chiến lược và sách lược cho phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc. Những bài học kinh nghiệm và đường lối cách mạng của Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các đảng cộng sản và phong trào công nhân trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu xã hội chủ nghĩa, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Nguyễn Ái Quốc tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (tháng 12/ 1920). Ảnh: Tư liệu

Trong hơn 20 năm tồn tại và phát triển, Quốc tế Cộng sản đã tổ chức 7 kỳ đại hội. Qua mỗi kỳ đại hội, cuộc đấu tranh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng tiến bộ, trưởng thành. Một loạt đảng cộng sản, đảng công nhân ở nhiều nước đã ra đời, trực tiếp lãnh đạo và đưa phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển ở mỗi nước. Năm 1919, chỉ có 10 đảng cộng sản tham gia Quốc tế Cộng sản, đến năm 1921, con số này đã lên đến 48. Quốc tế Cộng sản hoạt động theo những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Trong tổ chức cũng như khi thảo luận thông qua các văn kiện về nhiệm vụ chiến lược, cương lĩnh, luôn bảo đảm đoàn kết, nhất trí, ngăn ngừa những phần tử cơ hội, hữu khuynh, phần tử “phái giữa” chống phá và chui vào tổ chức; bảo vệ sự đoàn kết, thống nhất và bản chất cách mạng của Quốc tế Cộng sản. Đó là yếu tố đảm bảo chắc chắn cho sự trong sạch, vững mạnh của các đảng cộng sản để các đảng đủ sức làm tròn sứ mệnh tiên phong lãnh đạo cách mạng.

Đối với cách mạng Việt Nam, Quốc tế Cộng sản có ảnh hưởng và đóng góp quan trọng, to lớn. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam thông qua đường lối và chương trình hành động của Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người cộng sản Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản và phong trào cách mạng ở các nước; đồng thời đã tích cực giúp đỡ, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đào tạo cho cách mạng Việt Nam một đội ngũ cán bộ nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, có đạo đức và tinh thần cách mạng cao, là những hạt giống quý báu của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, Đảng ta đã từng bước trưởng thành vững chắc về lý luận cách mạng, đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn.

Đi theo đường lối đúng đắn của Quốc tế Cộng sản, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng giải phóng dân tộc thành công vào Tháng Tám năm 1945. Bằng sự nghiệp cách mạng đầy sáng tạo của mình, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đóng góp cho phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn, làm giàu thêm kho tàng lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, của Quốc tế Cộng sản và góp phần cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội.

Hiện nay, các thế lực thù địch và chủ nghĩa cơ hội, xét lại dưới mọi màu sắc vẫn ra sức xuyên tạc, công kích vào chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng. Đặc biệt là, họ phủ nhận những giá trị của Quốc tế Cộng sản đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sự chống phá càng gia tăng sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Hiện nay, sự chống phá đó tiếp tục diễn ra quyết liệt khi các nước xã hội chủ nghĩa còn lại. Họ cho rằng, Quốc tế Cộng sản cũng như chuyên chính vô sản ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa là chuyên chế cá nhân, là sự thống trị bằng bạo lực, tước đoạt quyền tự do cá nhân, vi phạm nhân quyền. Họ đổ lỗi cho Quốc tế Cộng sản đã đề ra chiến lược, sách lược sai lầm do dựa trên lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, dẫn đến sự sai lầm của các đảng cộng sản và công nhân ở nhiều nước trong xác định đường lối đấu tranh và nhiệm vụ cách mạng. Họ cố tình phủ nhận tính cách mạng của Quốc tế Cộng sản, rằng đó không phải là tổ chức theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin.

NGỌC CƯỜNG (tổng hợp)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.