Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 12:45:51

“Bảo tàng” ông Thu

Ngày đăng: 17/02/2016

QK2 – Căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Bùi Đình Thu, ở khu 9, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ nhiều năm gần đây trở thành nơi gặp gỡ thường xuyên của các cựu chiến binh, là địa điểm tham quan, giáo dục truyền thống bổ ích đối với người dân, nhất là với thế hệ trẻ. Tại đây hiện đang lưu giữ hàng nghìn kỷ vật kháng chiến, được vợ chồng ông dày công sưu tầm, bảo quản suốt hơn 20 năm qua…

Muốn nhắn nhủ tới thế hệ mai sau…

Chúng tôi có mặt tại nhà của thương binh hạng 4/4 Bùi Đình Thu, ở khu 9, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba vào những ngày cuối năm, khi không khí Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đang đến gần. Trong lúc người dân tất bật với công việc mua sắm, chuẩn bị đón Tết thì người cựu chiến binh sắp bước vào tuổi “xưa nay hiếm” lại cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi, bảo quản từng kỷ vật kháng chiến, rồi cẩn thận sắp xếp cho gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy trên những chiếc giá gỗ. Nhìn cách ông chăm sóc, nâng niu từng chiếc bi-đông đựng nước, từng chiếc áo trấn thủ cũ sờn, chiếc máy thông tin quân sự 15W, cho đến những chiếc mũ tai bèo đã ngả màu thời gian…, chúng tôi cảm nhận ông đang thực sự gửi hồn vào những kỷ vật kháng chiến. Trò chuyện với tôi, đôi tay người cựu chiến binh vẫn không dừng công việc bảo quản, sắp đặt lại các hiện vật, ghi chép cẩn thận tên, xuất xứ của từng hiện vật vào cuốn sổ tay.

Trầm ngâm giây lát, như nhớ lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt, ông bảo: “Tôi dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm những kỷ vật này với mong muốn ngôi nhà của mình trở thành một “bảo tàng” chiến tranh nhỏ, để các cựu chiến binh, các cháu học sinh và người dân quanh vùng đến tham quan, học tập truyền thống, chứ đâu muốn mình trở thành người nổi tiếng!”.

Cựu chiến binh Bùi Đình Thu (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu các kỷ vật chiến tranh với người dân đến tham quan.

Cựu chiến binh Bùi Đình Thu (ngoài cùng, bên phải) giới thiệu các kỷ vật chiến tranh với người dân đến tham quan.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian đầu, khi thấy ông Thu suốt ngày đi tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật kháng chiến cũ kỹ, hoen rỉ, không ít người bảo ông là người gàn dở, có người còn nói ông đi… buôn đồng nát! Tuy nhiên, lúc nào ông Thu cũng cảm thấy vui vẻ, lạc quan, bởi ông nghĩ, có phải ai cũng hiểu hết những giá trị của chúng đâu. Thậm chí, ông còn quả quyết: “Còn sức khỏe, tôi còn đi sưu tầm, tìm mua thật nhiều hiện vật thời chiến, vì thông qua việc này, tôi muốn nhắn nhủ tới thế hệ mai sau phải biết trân trọng, biết ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh biết bao xương máu để giành độc lập tự do, bảo vệ Tổ quốc, để chúng ta được sống trong hạnh phúc, hòa bình như hôm nay”.

Sau một hơi thuốc lào chuếnh choáng, phả làn khói trắng mù mịt, cựu chiến binh Bùi Đình Thu chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về thời trai trẻ của mình. Ông nhập ngũ tháng 2- 1972, khi vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Sau ba tháng huấn luyện tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, Bùi Đình Thu cùng đồng đội được lệnh hành quân thần tốc vào chiến trường miền Nam, rồi tham gia nhiều trận đánh sinh tử với quân thù. Cuối tháng 4-1974, trong một trận chiến đấu vô cùng ác liệt với quân địch tại Núi Bông, thuộc mặt trận Bình-Trị-Thiên, ông bị thương, được đồng đội chuyển về tuyến sau điều trị. Năm 1975, ông xuất ngũ về quê và sau đó được hưởng chế độ thương binh, với thương tật hạng 4/4.

Khi được hỏi về công việc đang làm, đôi mắt người cựu chiến binh bỗng sáng lên, những nếp nhăn trên gương mặt khắc khổ của ông như cũng giãn ra theo từng câu chuyện. Giọng ông hồ hởi: “Ngày ấy, do bị thương, không được cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn, chứng kiến giờ phút lịch sử của đất nước, tôi cứ tiếc mãi. Vì vậy, tôi quyết định đi sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật kháng chiến, vừa để góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở địa phương, vừa để tri ân các đồng đội đã ngã xuống để mình được sống, trở về. Hơn nữa, công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của chúng ta thật hào hùng, nhưng cũng rất bi tráng, nếu mình không lưu giữ lại những kỷ vật của một thời oanh liệt ấy, thì con cháu chúng ta khó có thể hiểu được tường tận lịch sử, cũng như những gian khổ, sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh”.

Những chuyến sưu tầm trong Nam, ngoài Bắc

Xuất phát từ tình cảm với đồng chí, đồng đội, cộng với niềm đam mê sưu tầm kỷ vật kháng chiến, từ năm 1995 trở lại đây, với khoản trợ cấp thương binh hạn hẹp, cựu chiến binh Bùi Đình Thu trên chiếc xe máy cà tàng, ba lô, cơm nắm, muối rang rong ruổi khắp các tỉnh, thành, từ miền xuôi đến miền ngược, trong Nam, ngoài Bắc để sưu tầm kỷ vật kháng chiến. Có những chuyến ông đi cả tháng trời từ Bắc vào Nam, vừa để thăm lại chiến trường xưa, tìm gặp đồng đội cũ, vừa kết hợp sưu tầm, tìm mua bằng được những kỷ vật chiến tranh đem về trưng bày tại “bảo tàng” của mình. Hễ ai mách bảo ở đâu đang lưu giữ kỷ vật kháng chiến có giá trị, ông đều tìm đến, thuyết phục họ bán cho ông bằng được. Sau hơn 20 năm lặn lội khắp các miền quê trong cả nước, ông Thu đã sưu tầm được hơn 2.000 kỷ vật kháng chiến với đủ các chủng loại khác nhau, cả của ta và của địch.

Nhìn những hiện vật phong phú, đa dạng về chủng loại của người thương binh giàu nghị lực, chúng tôi như được trở về một thời kỳ lịch sử hào hùng của đất nước, quân đội. Đó là những cuốn sách từ thời cải cách ruộng đất; những số báo ra đời từ đầu thế kỷ 20 như: “Hồn nước”, “Cứu quốc”, “Tiến lên”; những số báo Nhân dân, Quân đội nhân dânthời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ… Nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, gây xúc động mạnh cho người xem như: Cờ giải phóng, ra-đi-ô, bình tông, áo trấn thủ, mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, bản đồ tác chiến của lính Mỹ, những lá đơn tình nguyện lên đường giết giặc được viết bằng máu của các thế hệ thanh niên trong những năm kháng chiến; những bức thư của chiến sĩ gửi về từ chiến trường, từ quê nhà gửi ra tiền tuyến; những trang nhật ký, đồ dùng cá nhân của những người lính đã hy sinh… Tất cả đều được ông giữ gìn, bảo quản cẩn thận như những tài sản quý của gia đình. Ông Thu cho biết, “bảo tàng” của ông thường đông người đến tham quan vào dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4; Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5; Quốc khánh 2-9; Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12, Tết Nguyên đán… Những khi ấy, dù khá vất vả trong việc đón tiếp, hướng dẫn các đoàn khách, nhưng ông lại coi đó là niềm vui, niềm hãnh diện.

Nói về việc làm của cựu chiến binh Bùi Đình Thu, ông Nguyễn Tiến Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba bày tỏ: “Ở miền quê trung du miền núi chúng tôi có được gian trưng bày kỷ vật kháng chiến như vậy là quý lắm. Đây là những hiện vật rất có giá trị về lịch sử, là “bảo tàng sống” để bà con nhân dân, thanh niên địa phương và các cháu học sinh tham quan, giáo dục truyền thống. Cấp ủy, chính quyền địa phương chúng tôi luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để khu trưng bày của ông Thu ngày một phong phú hơn”.

Anh Đỗ Khắc Được, Bí thư Đoàn xã Chí Tiên, cho biết: “Chúng tôi sinh ra sau chiến tranh, những kỷ vật kháng chiến mà ông Thu sưu tầm có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với thế hệ trẻ, giúp chúng tôi thêm tự hào về truyền thống đất nước, quân đội và quê hương đất Tổ Vua Hùng, góp phần “truyền lửa” cho thanh niên địa phương, luôn sẵn sàng cống hiến tài năng, trí tuệ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Còn em Nguyễn Vân Trang, học sinh Trường THCS Chí Tiên, huyện Thanh Ba thì bộc bạch: “Nhìn những kỷ vật kháng chiến của bộ đội ta thời chiến tranh, chúng em thực sự xúc động và thêm hiểu rằng, để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, cha ông mình đã phải đổ biết bao xương máu mới giành được. Noi gương lớp người đi trước, chúng em càng phải cố gắng học tập, rèn luyện tốt hơn nữa để xứng đáng với công lao, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã quên mình vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc”.

… và ước mong bình dị

Dẫn chúng tôi tham quan một lượt “bảo tàng” của mình, cựu chiến binh Bùi Đình Thu say sưa giới thiệu về những “đứa con tinh thần” đã gắn bó với ông nhiều năm qua. Nhẹ nhàng cầm trên tay một chiếc bình đựng nước cũ kỹ, ông xúc động kể: “Đây là chiếc bình đựng nước được thiết kế từ một ống đèn pháo sáng của một chiến sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, quê ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, được đồng đội gửi về tặng gia đình làm kỷ niệm. Tôi phải đi lại rất nhiều lần, thuyết phục mãi, cuối cùng gia đình người chiến sĩ ấy mới đồng ý để tôi mang về trưng bày ở đây”. Nói đoạn, ông đưa chúng tôi xem một chiếc ca đựng nước bằng nhôm. Quan sát, chúng tôi thấy vỏ ngoài chiếc ca có khắc dòng chữ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Ông Thu cho biết, đây là kỷ vật của một chiến sỹ đã hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, quê ở xã Năng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, được gia đình tặng lại để ông trưng bày tại “bảo tàng”.

Dốc lòng vào việc sưu tầm kỷ vật chiến tranh, nhiều lúc gia đình cựu chiến binh Bùi Đình Thu cũng lâm vào cảnh túng thiếu, nợ nần. Vậy mà có không ít người yêu thích cổ vật, đến “gạ” ông bán những hiện vật với giá hàng chục triệu đồng, nhưng ông đều từ chối. Ông sẵn sàng cho các em học sinh, sinh viên, thầy, cô giáo, các nhà nghiên cứu đến tham quan, học tập miễn phí, nhưng nhất quyết không bán bất cứ một kỷ vật nào. Cựu chiến binh Bùi Đình Thu càng thấy vui hơn, vì mấy năm gần đây, việc làm của ông đã phát huy tác dụng khi nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thường xuyên tổ chức cho học sinh đến tham quan “bảo tàng” của mình, với nhiều hiện vật trực quan sinh động. Một số nhà nghiên cứu văn hóa gần xa nghe tiếng về “Bảo tàng ông Thu” cũng đến đề nghị ông tạo điều kiện giúp nghiên cứu, tìm hiểu…

Trước lúc chia tay người thương binh giàu nghị lực, khi được hỏi về tâm nguyện của mình, ông Bùi Đình Thu bày tỏ: “Những lớp người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sẽ dần ra đi, nhưng những kỷ vật, những câu chuyện, kỷ niệm, những hiện vật và anh linh của các anh hùng liệt sĩ sẽ sống mãi, nhất là khi chúng ta biết lưu giữ những kỷ vật, trân trọng quá khứ. Ước nguyện lớn nhất của tôi là được cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng đội tiếp tục quan tâm, giúp đỡ sưu tầm, lưu giữ thêm nhiều kỷ vật kháng chiến. Tôi làm việc này không đơn thuần là sự đam mê, mà mong muốn phát triển thành một bảo tàng nhỏ, thành “địa chỉ đỏ” để những “hiện vật biết nói” ngày càng phát huy hiệu quả trong giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là với lớp trẻ”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.