Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 06:57:40

Báo chí Việt Nam luôn là diễn đàn của nhân dân

Ngày đăng: 23/03/2016

Luật Báo chí Việt Nam lâu nay luôn quy định rõ ràng, báo chí Việt Nam “là diễn đàn của nhân dân”. Trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét và chuẩn bị thông qua, quy định này tiếp tục được kế thừa…

Đó là sự khẳng định mang tính pháp lý về việc công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thông qua hệ thống các cơ quan báo chí tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để quyền này của công dân được bảo đảm thực thi có hiệu quả trong thực tế…

Phương thức thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí

Tỏ ra rất tâm đắc với quy định báo chí Việt Nam có chức năng là diễn đàn của nhân dân, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hồ Chí Minh) khi cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) đã nhấn mạnh yêu cầu phải “nói rõ đây là phương thức chủ yếu, quan trọng để thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của nhân dân”.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Minh Trường.

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại lễ mít-tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh: Minh Trường.

Với quy định như vậy, mọi công dân Việt Nam đều có quyền viết bài thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng hay kiến nghị, góp ý về một vấn đề nào đó, những bài viết có nội dung vi phạm luật pháp, vi phạm thuần phong, mỹ tục hoặc không bảo đảm chất lượng sẽ không được đưa lên mặt báo. Thực tế, trong lịch sử hình thành và phát triển của nền báo chí Việt Nam, quyền này của nhân dân luôn được tôn trọng và được bảo đảm thực hiện bởi các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương tới địa phương. Những cơ quan báo chí có sản phẩm báo chí thực hiện tốt chức năng “là diễn đàn của nhân dân” thường được bạn đọc, nhân dân mến mộ, tin tưởng.

Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) cũng nêu những quy định về trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân. Một trong số đó là quy định cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh, tác phẩm báo chí khác của công dân và phải trả lời, nêu rõ lý do không đăng, phát nếu có yêu cầu. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, quy định như vậy là thiếu tính khả thi. Đại biểu giải thích, chỉ tính riêng khiếu nại, tố cáo của công dân dưới dạng kiến nghị, phê bình tin, bài, ảnh gửi đến các cơ quan báo chí đã là rất lớn. Thậm chí, một vụ việc có khi được phô-tô-cóp-py gửi đi nhiều báo, đài cùng một lúc. Nếu không có sự chọn lọc, đăng, phát toàn bộ thì vừa trùng lặp thông tin, vừa làm tăng trang báo, tăng thời lượng phát sóng không hợp lý. Từ đó, đại biểu đề nghị phải thiết kế lại quy định này để bảo đảm tính khả thi.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, chỉ nên quy định về trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí đó.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích, góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là một kênh quan trọng để công dân thực hiện quyền của mình được Hiến pháp quy định. Tuy nhiên, không nên chỉ quy định “công dân được quyền góp ý kiến phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các thành viên của các tổ chức đó”, mà nên mở rộng thêm đối tượng được công dân góp ý, phê bình trên báo chí là cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước, trong các cơ quan Đảng.

Cần quy định quyền hạn của báo chí

Đồng ý với việc phải quy định trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề nghị cần cân bằng giữa trách nhiệm với quyền hạn của cơ quan báo chí trong vấn đề này.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) dẫn nội dung Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí. Theo đó, khoản này có 6 điểm nhưng cả 6 điểm đều thể hiện nội dung nhiệm vụ của báo chí, chưa có điểm nào thể hiện quyền hạn của báo chí. “Để thực hiện các nhiệm vụ đó, báo chí cần phải có quyền hạn nhất định. Đề nghị bổ sung thêm quyền hạn cho báo chí để bảo đảm báo chí thực hiện các nhiệm vụ đó như các quyền được cung cấp thông tin, quyền được đáp ứng các điều kiện, nguồn lực,… để báo chí có thể thực hiện được các nhiệm vụ đó. Nếu không bổ sung các quyền như vậy thì đề nghị bỏ quyền hạn của báo chí ở tiêu đề của Điều 4 và tiêu đề của Khoản 2”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề cập tới quy chế về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp khó khăn. Vì vậy, đại biểu kiến nghị quy định nội dung nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí vào dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí đưa tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Cũng liên quan tới vấn đề này, đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí; né tránh cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật, hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí; xử lý hình sự đối với các trường hợp hành hung, truy sát nhà báo trong tác nghiệp, nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp.

Là giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, phóng viên (đã và đang theo học tại trường) thường phàn nàn về việc nhiều tổ chức, người phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí nhưng không bị xử lý. Điều 7 dự thảo luật quy định nhà báo chỉ được miễn trừ trách nhiệm khi thông tin đó được cung cấp bởi người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn. Nhưng khi người phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn né tránh thì báo chí phải tự tìm nguồn thông tin khác và phải chịu trách nhiệm về nguồn thông tin. Để khắc phục vấn đề này, cần có những quy định cụ thể trong luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan, tổ chức và hình thức xử lý nếu họ né tránh, không chịu cung cấp thông tin để tạo điều kiện cho báo chí hoạt động một cách tốt nhất trong khuôn khổ của luật pháp.

Cùng quan điểm như vậy, Luật sư Tô Thị Thanh Hương (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho rằng, song song với quy định mở rộng để bảo đảm hơn nữa quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân, cũng cần có các quy định về xử lý vi phạm phải đầy đủ, chặt chẽ một cách tương xứng. Có như vậy mới tránh được tình trạng vi phạm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khá phổ biến như hiện nay.

Góp ý về quy định những hành vi bị cấm

Một trong những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 so với các bản Hiến pháp trước đó là quy định quyền con người, quyền công dân chỉ được hạn chế bởi văn bản luật. Do vậy, trong lần sửa đổi Luật Báo chí này, nhiều người quan tâm tới việc thể chế hóa nội dung Hiến định ấy như thế nào để vừa bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả nhất quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân, nhưng cũng không tạo ra kẽ hở pháp lý để kẻ xấu lợi dụng.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu hiện tượng đã xuất hiện trong thực tế là có những người không xuyên tạc, không phỉ báng chính quyền nhân dân. Tuy nhiên, họ phủ nhận sự tồn tại của chính quyền hiện tại theo phương cách thừa nhận thành tựu, ca ngợi những gì chính quyền nhân dân đã đạt được trong lịch sử. Đồng thời, họ nói, trong giai đoạn văn minh hậu công nghiệp, chính quyền hiện tại không còn vai trò lịch sử nữa, cần phải nhường vai trò lịch sử cho chính quyền khác… “Những hành vi đó còn nguy hiểm hơn cả hành vi xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, cần cấm trong hoạt động báo chí. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung vào Điểm a, Khoản 1, Điều 9 hành vi phủ nhận chính quyền nhân dân”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng đề nghị thiết kế lại Điều 9 về những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí để bảo đảm tính khả thi của luật. Ví dụ được đại biểu đưa ra là quy định cấm “đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh xâm lược nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” cần được tách làm hai nội dung. Cụ thể là cấm đăng, phát thông tin chống lại độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cấm đăng, phát thông tin kích động chiến tranh xâm lược.

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) bày tỏ băn khoăn về việc Khoản 1, Điều 9 dự thảo luật chỉ đề cập tới hành vi bị cấm là đăng, phát thông tin chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cấm đăng, phát thông tin chống lại Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo chương trình dự kiến, dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 11. Có những quy định sẽ được sửa đổi, bổ sung, nhưng tất cả đều hướng tới một mục tiêu, làm sao để báo chí Việt Nam thực sự trở thành diễn đàn của nhân dân, làm sao để quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân được bảo đảm thực thi hiệu quả nhất.

(Theo THÙY LÂM – VŨ DUNG – QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

go top