Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 01:54:49

Bài 3: Quyết liệt bịt “lỗ hổng” trong công tác nhân sự

Ngày đăng: 28/03/2018

“Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.

Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai…?”-Câu hỏi ấy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chính là đòi hỏi của thực tiễn khách quan, kích thích và tạo động lực để các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hạn chế, tồn tại trong tiến hành công tác cán bộ (CTCB) thời gian tới.

Thể chế hóa tròn khâu

Đồng chí Nguyễn Minh Trứ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, đánh giá: Trong chưa đầy nửa đầu nhiệm kỳ, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết liên quan đến CTCB. Đáng nói hơn, việc xây dựng văn bản, chỉ thị, nghị quyết; thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng được tiến hành bài bản, bám sát các khâu, các bước, các mặt, lĩnh vực của CTCB. Đó là những giải pháp cần thiết để Đảng khắc phục triệt để những hạn chế trong CTCB và xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) thời gian qua.

Quang cảnh Đại hội XII của Đảng. Ảnh: infonet.vn

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, đại biểu là lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố đều bày tỏ ấn tượng và ghi nhận những nỗ lực của cơ quan Trung ương trong việc tham mưu ban hành nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định liên quan đến CTCB. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, riêng về CTCB, ngành tổ chức xây dựng Đảng đã tham mưu xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng, tập trung khắc phục hạn chế, sơ hở để CTCB và quản lý ĐNCB ngày càng căn cơ hơn, nền nếp hơn, bài bản và hiệu quả hơn; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; góp phần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tệ chạy chức, chạy quyền trong công tác tổ chức, cán bộ. Đáng ghi nhận là việc đề xuất, sửa đổi, bổ sung mới các văn bản của Đảng được tiến hành đồng bộ, phù hợp và có lộ trình cụ thể; việc ban hành mới các quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân bước đầu đạt nhiều kết quả rõ rệt.

Theo khảo sát của chúng tôi, hơn hai năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành hàng chục quy định, văn bản, với tính hệ thống hóa rất cao, tiêu biểu là: Chủ trương, quy định về luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, trong đó phân định rõ trách nhiệm của tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong đề xuất, tham mưu, thẩm định và quyết định trong CTCB; Chủ trương đẩy mạnh phân cấp trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; Quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ; Sửa đổi, bổ sung Quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng, chú trọng đầy đủ hơn đến vấn đề chính trị hiện nay…

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: “Tất cả những nội dung được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định ban hành quy định đều là những vấn đề hệ trọng và cấp bách trong công tác tổ chức, cán bộ. Khi kết nối lại tạo nên hệ thống văn bản có tính tròn khâu, giúp CTCB được vận hành trôi chảy, hiệu quả. Hay nói cách khác, chỉ trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII chúng ta đã bịt được nhiều lỗ hổng trong các khâu: Đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, mà trước đây chưa thực hiện thật sự hiệu quả”.

Cũng trong hai năm qua, nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về CTCB được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn. Đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là ĐNCB lãnh đạo, quản lý các cấp, được dư luận đồng tình ủng hộ, có tác dụng, hiệu quả thiết thực. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ về cơ bản thực hiện theo quy hoạch và được đẩy mạnh hơn. Đã tiến hành xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước ngay từ sớm. Quy định và thực hiện chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh có tác dụng tốt. Việc thực hiện chính sách cán bộ trong hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm.

Nhờ chủ động thể chế hóa, nhất là nghiên cứu ban hành và thực hiện các quy chế, quy định, cơ chế, chính sách trong CTCB, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp, góp phần nâng cao chất lượng CTCB và ĐNCB. Trong đó, rõ nét nhất là quy chế đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí đúng cán bộ. Các văn bản cũng tập trung chỉ ra đường hướng xây dựng ĐNCB, nhất là ĐNCB cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Mở rộng đối tượng thi tuyển cán bộ quản lý, hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ làm cơ sở đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Bịt “lỗ hổng” bằng quy trình 5 bước

GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương từng nhiều lần bày tỏ trăn trở: “Hạn chế, yếu kém trong CTCB có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bởi quy trình bổ nhiệm cán bộ trước đây tuy tròn khâu nhưng đã “nhờn thuốc” và bị lợi dụng như một công cụ để bổ nhiệm cán bộ theo lối ban phát, mua bán, chạy chọt”. Nhà khoa học này cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành quy định bổ sung, xây dựng quy trình 5 bước trong công tác bổ nhiệm cán bộ vừa qua là một thành công, nhằm bịt “lỗ hổng” trong công tác nhân sự.

Trên thực tế, những năm trước, việc lợi dụng kẽ hở trong quy trình bổ nhiệm cán bộ vẫn xảy ra ở một số cấp ủy, tổ chức đảng. Đó chính là nguyên nhân để một số cán bộ, như Trịnh Xuân Thanh vẫn phát triển nhanh qua nhiều chức vụ. Nhìn lại các nấc tiến thân của Trịnh Xuân Thanh ở Bộ Công Thương cho thấy, các quyết định bổ nhiệm phần lớn đều có ý kiến đồng ý của tập thể. Tức là xét về 3 bước trong công tác bổ nhiệm cán bộ thì đều được thực hiện đầy đủ, thế nhưng quan trọng là hình hài của mỗi bước lại bị biến tướng và lạm dụng. Cụ thể như, khi làm quy trình để Trịnh Xuân Thanh phụ trách Văn phòng Bộ Công Thương, có 9/10 thành viên Ban cán sự Đảng đồng ý (1 đồng chí đi công tác). Khi làm quy trình bổ nhiệm Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì tất cả 8 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương đồng ý; 9/10 thành viên Ban cán sự Đảng đồng ý (1 đồng chí đi công tác). Đáng lưu ý, đây là thời gian mà Chính phủ đang chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ sai phạm của PVC, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Trịnh Xuân Thanh… Điều đó cho thấy trong quy trình bổ nhiệm cán bộ theo 3 bước không còn phù hợp; chỉ cần ý chí hoặc sự “vận hành” của người đứng đầu, hoặc một số cán bộ chủ chốt thì ngay lập tức quy trình bị lợi dụng, bị lũng đoạn.

Câu chuyện về Trịnh Xuân Thanh không phải là đơn nhất, nhiều năm trước, hàng loạt người trẻ tuổi được bổ nhiệm, cất nhắc, thăng tiến một cách thần tốc, mà nguyên nhân suy cho cùng là do CTCB bị thâu tóm, lũng đoạn, vi phạm nguyên tắc, cắt xén quy trình.

Đầu tiên phải kể đến Vũ Quang Hải. Vụ bổ nhiệm này sau đó đã được UBKT Trung ương vào cuộc kết luận đầu năm 2017, Vũ Quang Hải bị bãi miễn hết các chức danh. Tại Hải Dương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội với những 44 lãnh đạo, trong đó có ông Phạm Văn Kháng (37 tuổi), người được đích danh cha ruột là ông Phạm Văn Tỏ, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương, ký quyết định bổ nhiệm làm phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính. Hay vụ ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam là “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục”. Cũng tại Quảng Nam, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh cũng bị UBKT Trung ương chỉ rõ đã ký văn bản đề nghị bổ nhiệm con trai mình khi chưa được phê duyệt quy hoạch; để tỉnh tuyển dụng công chức không qua thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo đối với con trai chưa bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn… Từ những sai phạm theo kết luận của UBKT Trung ương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với hai ông: Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam.

Ở một khía cạnh khác, kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ công bố cho thấy, từ năm 2011-2014, Bộ Công Thương đã bổ nhiệm sai 96 trường hợp, có những trường hợp diễn ra vẫn “đúng quy trình”, vẫn đưa ra cấp ủy, tổ chức mà không đủ tiêu chuẩn. Song điều rất đáng suy nghĩ là cấp ủy, cán bộ, đảng viên không dám nói, không dám đấu tranh… Bởi vậy, những vụ việc trên xảy ra trước nhiệm kỳ Đại hội XII và chỉ được đưa ra ánh sáng, bị bóc trần trong khoảng thời gian hơn hai năm gần đây. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của Trung ương khóa XII trong lãnh đạo khắc phục triệt để tiêu cực, hạn chế trong CTCB. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia và những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng thì thành quả lớn hơn cả trong hơn hai năm qua chính là nỗ lực và kết quả bịt “lỗ hổng” trong công tác nhân sự mà Trung ương khóa XII quyết liệt chỉ đạo.

Đầu tiên phải kể đến việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Theo quy định này, những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do tập thể cấp ủy, tổ chức đảng thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đặc biệt, văn bản này đã sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ một cách chặt chẽ, khoa học với 5 bước để thay thế cho quy trình 3 bước trước đây.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) thì quy trình 5 bước chính là kinh nghiệm quý báu được xuất phát từ thực tiễn CTCB trong Đảng bộ Quân đội; được kiểm nghiệm về tính hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, khi quy trình được vận hành sẽ cơ bản khắc phục được những sơ hở trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; hạn chế đến mức thấp nhất và không để người đứng đầu sử dụng quyền lực như một công cụ riêng trong CTCB.

Phân tích của các chuyên gia về xây dựng Đảng cho thấy: Quy định trước đây của Bộ Chính trị có 3 bước, bao gồm: Bước 1: Họp ban thường vụ xin chủ trương và chốt danh sách; bước 2: Lấy ý kiến trong hội nghị cán bộ chủ chốt; bước 3: Tổ chức hội nghị ban chấp hành về CTCB. Trong nhiều năm qua, việc thực hiện quy trình 3 bước cơ bản đáp ứng được yêu cầu xây dựng ĐNCB lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy trình 3 bước đã bộc lộ những hạn chế, như: Chưa thể hiện thật rõ thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu (hội nghị cán bộ chủ chốt không quy định số người dự bao nhiêu là hợp lệ, kết quả phụ thuộc chủ yếu vào ý chí của ban cán sự…).

Trong quy trình 5 bước mới được ban hành thì bước 2 và bước 3 là những bước mới, quan trọng, mở rộng dân chủ. Ban chấp hành được thảo luận quy trình, giới thiệu nhân sự rộng hơn, tạo được sự đồng thuận. Sau khi có kết quả do ban chấp hành giới thiệu, ban thường vụ mới họp. Khi đó, ban thường vụ bỏ phiếu giới thiệu nhân sự khi đã có cơ sở. Với cách làm này tạo sự tập trung cao, phản ánh đúng nguyện vọng của ban chấp hành. “Với những nỗ lực của Trung ương nhằm thắt chặt công tác bổ nhiệm cán bộ trong nhiệm kỳ Đại hội XII, thật sự là bước tiến trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo mặt công tác này. Đây cũng sẽ là nền tảng vững chắc cho bước phát triển CTCB thời gian tới”-Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh tin tưởng.

“Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân” (Trích lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.