Thứ năm Ngày 25 Tháng 04 Năm 2024, 12:15:24

Bài 3: Ngọn cờ quy tụ lòng dân

Ngày đăng: 21/10/2019

QK2 – Như phần đầu bài viết đã đề cập, kiên định mục tiêu, con đường xây dựng CNXH là một trong những nguyên tắc bất di bất dịch, là “mũi nhọn công kích” của các thế lực phản động trong dịp chuẩn bị, tiến hành Đại hội Đảng. Chính vì thế, sau khi có bài viết của người giữ trọng trách của Đảng ta, những “con rối lạc lối” tung ra luận điệu: Vì sao đến giờ này mà người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn “kiên định mục tiêu, lý tưởng CNXH?” để từ đó bình, bàn, xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây hoài nghi dư luận.

Một lời khẳng định mà hầu như người Việt Nam nào cũng sẽ hiển nhiên thuộc lòng: Mục tiêu, lý tưởng CNXH là sự lựa chọn của lịch sử thế giới. Với Việt Nam, lý tưởng “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” là điểm hẹn của lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin được hiện thực hóa vào Cách mạng tháng Mười Nga; cùng với đó là hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành những thập niên đầu thế kỷ XX.

Trong bối cảnh thất bại của các phong trào yêu nước và giải phóng dân tộc diễn ra theo nhiều khuynh hướng khác nhau, Hồ Chí Minh đã tìm ra lời giải cho đường lối cứu nước, cứu dân thoát khỏi khủng hoảng. Theo các nhà nghiên cứu lý luận, sự lựa chọn con đường “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” không phải là sự lựa chọn của cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi vì, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người phải gắn liền với tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. 

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời là lịch sử của lãnh đạo, tập hợp, quy tụ lòng dân. Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930 của Đảng do Nguyễn Ái Quốc đã soạn thảo gắn với quyền lợi của đại đa số quần chúng lao động, xác định: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Để hiện thực mục tiêu, Đảng từng bước lãnh đạo toàn dân giành độc lập dân tộc; hướng mục tiêu CNXH làm cơ sở giữ vững độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong từng giai đoạn cách mạng, với tư tưởng cách mạng không ngừng, Đảng vạch ra phương pháp cụ thể để từng bước hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Nhận thức, lý luận con đường xây dựng CNXH cũng dần được bổ sung, phát triển và mục tiêu, lý tưởng XHCN từng bước sáng tỏ với những bước đi, biện pháp phù hợp.

Trong tiến trình ấy, Đảng cũng nhìn nhận những khó khăn, hạn chế và khuyết điểm, nhất là giai đoạn trước đổi mới 1986, chủ quan duy ý chí, nóng vội, nên xảy ra tình trạng khủng hoảng về kinh tế – xã hội. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, mở ra thời kỳ mới của con đường CNXH.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH 1991 (Cương lĩnh 1991) nêu lên những đặc trưng cơ bản của CNXH. Đến Cương lĩnh 2011, Đảng ta đã nêu lên những nội dung cơ bản của con đường quá độ lên CNXH ở nước ta; bổ sung, phát triển đặc trưng của xã hội XHCN. Ngay sau cuộc khủng hoảng toàn diện của Liên Xô cũ và hệ thống các nước XHCN thoái trào, Đảng đã cảnh báo về bốn nguy cơ lớn, trong đó có nguy cơ “chệch hướng XHCN”. Sau hai mươi năm thực hiện Cương lĩnh 1991, một trong những bài học hàng đầu được rút ra là: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh bài học kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trong quá trình đổi mới đất nước.

Trong tiến trình lịch sử ấy, dù khó khăn, thử thách thế nào, Đảng luôn nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, giữ vững mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người phải gắn liền với tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. 

Cuộc sống bình yên và ngày càng phát triển ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

“Hạnh phúc là mục tiêu của con người”, thông điệp Liên Hợp quốc đưa ra được kiểm nghiệm bằng việc khảo sát, xếp hạng các quốc gia hạnh phúc hằng năm, dựa trên các chỉ số: Thu nhập bình quân đầu người, phúc lợi xã hội, sức khỏe, sự tự do, sự hào phóng và tình trạng tham nhũng. Theo đó, năm 2019, Việt Nam xếp ở vị trí 94/156 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là một thứ hạng không đến nỗi tệ bởi xuất phát điểm xây dựng CNXH của Việt Nam rất thấp, trải qua chiến tranh liên miên, vượt lên khủng hoảng, thoái trào của hệ thống CNXH, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Hơn thế nữa, Việt Nam từng bước chủ động hội nhập và phát triển. Tạp chí U.S. News & World Report (Mỹ) đánh giá, năm 2018, Việt Nam xếp thứ 8 trong danh sách 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để mời gọi đầu tư nước ngoài. Còn Ngân hàng HSBC (Anh) công bố báo cáo HSBC Expat 2019, Việt Nam lọt vào tốp 10 quốc gia tốt nhất thế giới cho người nước ngoài sống và làm việc. Mới đây nhất, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm trước, lên thứ hạng 67 trên 141 nền kinh tế được xếp hạng.

Đấy chính là minh chứng tương lai phát triển của đất nước cũng như cuộc sống của đại đa số người dân, là kết quả “kiên định mục tiêu, con đường xây dựng CNXH” – ngọn cờ “quy tụ lòng dân” của Đảng; cũng là cơ sở để phản bác luận điệu xuyên tạc, chỉ dựa vào một số vụ việc hạn chế, tiêu cực đơn lẻ trong Đảng, trong xã hội để đánh giá dân chủ, nhân quyền của cả đất nước; càng không thể chấp nhận, tôn sùng những kẻ vi phạm pháp luật chuyên “thọc gậy bánh xe”, lợi dụng những vụ việc nhỏ nhặt mà phỉ báng chế độ XHCN, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng.

Có lẽ những kẻ “lạc lối”, mượn cớ cái gọi là “đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền” đã phớt lờ rằng, Việt Nam sẵn sàng nhận trách nhiệm “Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” lần thứ hai từ đầu 2020, trúng cử với số phiếu cao kỷ lục của các quốc gia từng tham gia dự bầu vào tổ chức này: 192/193 phiếu. Điều ấy khẳng định uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, là thành quả lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.