Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 09:59:55

Bài 2: Hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”

Ngày đăng: 12/11/2019

QK2 – Do đặc thù về địa lý, thổ nhưỡng và thời tiết nên mỗi người dân Yên Bái luôn có tính chủ động, tinh thần tự giác trong việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Cùng với đó các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân vào công tác phòng, chống bão lũ, tất cả vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Người dân xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn chủ động làm cầu tạm qua suối trong những ngày mưa lũ

Theo ông Nông Ích Chấn, Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, năm 2018 huyện có 20/31 xã bị ảnh hưởng của mưa lũ, có 5 xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Làm 8 người chết và mất tích, 16 người bị thương nặng; 133 nhà bị sập và hư hỏng, thiệt hại nhiều về sản xuất nông nghiệp và các công trình, thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Trong khi đó hệ thống giao thông chỉ có đường quốc lộ 32 độc đạo, nhưng mỗi lúc mưa lũ đều bị ách tắc. Nên để các lực lượng của tỉnh và các đơn vị quân đội tăng cường hỗ trợ gặp nhiều khó khăn. Do vậy việc tự chủ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân và cán bộ. Nhiều người dân ở các xã như: Nậm Búng, Sùng Đô, Nậm Mười, Sơn Lương, Phù Nham… đều có ý thức tự bảo vệ mình trong mùa mưa bão. Khi gặp các tình huống khẩn cấp, bà con luôn cố gắng tìm cách cứu người trước, tài sản sau. Nhiều kinh nghiệm, bài học về tự chủ trong phòng chống lụt bão của người dân như: Dòng dọc, tận dụng cây chuối, tre hóp làm cầu treo, bè mảng, thùng xốp… để di chuyển đến nơi an toàn. Huyện và các xã đều có những phương án, chuẩn bị dự trữ vật chất dự phòng, từ lương thực, thực phẩm, thuốc và trang thiết bị y tế; ký kết với các doanh nghiệp, các cửa hàng, hộ gia đình kinh doanh vận tải để khi có tình huống sẽ trưng dụng, huy động vật chất, phương tiện. Các tuyến đường giao thông thường xuyên bị sạt lở, luôn có máy xúc hoặc cần cẩu túc trực sẵn sàng xử trí khi có tình huống, kịp thời giải tỏa, đảm bảo giao thông thông suốt. Về chỉ huy tại chỗ, khi có các tình huống bão lũ xảy ra, chính quyền từ huyện, xã đến thôn bản đều kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng, kêu gọi vận động người dân cùng chung tay góp sức phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Về lực lượng, huyện chỉ đạo biên chế các tổ dân quân và đội thanh niên xung kích theo từng thôn, bản. Nếu bản đó thiệt hại nặng sẽ huy động chiến sĩ dân quân và thanh niên từ các thôn, bản khác đến hỗ trợ.

Luôn đề cao công tác tự phòng chống của người dân. Do vậy khi tiếp nhận thông tin cảnh báo của tỉnh và các cơ quan truyền thông, Ban chỉ huy PCTT-TKCN của huyện nhanh chóng chỉ đạo các xã, các thôn bản bằng nhiều hình thức như truyền thanh, mạng xã hội, đến trực tiếp từng thôn, bản, gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh. Huyện giao cho các xã diễn tập PCTT-TKCN chủ động tìm kiếm, xác định địa điểm, đề xuất nội dung diễn tập sao cho phù hợp với thực tiễn của địa bàn nhất. Đặc biệt với các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp, bên cạnh việc thuyết phục, vận động thì chính quyền đều có biện pháp kiên quyết, giúp dân di dời người, tài sản đến nơi an toàn, ông Chấn cho biết thêm.

Gặp bà Lò Thị Hành, nhà ở bản Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu sau đúng 2 năm cơn bão số 10 xảy ra năm 2017 chúng tôi thấy bà khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn trước. Bà Hành hồ hởi chia sẻ, năm ấy nghe cán bộ địa phương và bộ đội, dân quân gia đình tôi chuyển nhà đến nơi ở mới an toàn, không còn cảnh sống trong thấp thỏm lo âu nữa.

Trước đây gia đình bà Hành có ngôi nhà sàn đẹp ở ngay dưới chân một quả đồi cao được xây dựng từ đầu những năm 1990. Nhưng chỉ trong vòng tháng 10-11 năm 2017 trên địa bàn xảy ra mấy cơn bão, rồi lũ ống, lũ quét. Cán bộ địa phương nhận thấy quả đồi sau nhà bà có nhiều vết nứt chân chim, sẽ sạt lở bất cứ lúc nào nên trước cơn bão số 10 đã cương quyết di dời nhà bà đến chỗ an toàn. Quả đúng như nhận định, khi người, tài sản, nhà cửa được chuyển đi một ngày sau cơn bão ập đến, mưa lớn kéo dài và quả đồi đã sạt lở đúng chỗ nhà bà từng ở. Nét mặt bà Hành như tươi vui hẳn lên và nói với chúng tôi: “Từ ngày đến nơi ở mới cả nhà ai cũng yên tâm, sống vui vẻ khỏe mạnh, trồng trọt, chăn nuôi đều thuận lợi”. 

Làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Yên Bái chúng tôi nhận thấy tổ chức thực hiện rất hiệu quả công tác PCTT-TKCN và có nhiều bài học đúc kết từ thực tiễn. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân hiểu và nắm bắt được tác động và những thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Nâng cao hiệu quả công tác ứng trực bão lũ từ tỉnh đến cơ sở. Thành lập các tổ ứng trực gồm các lực lượng thanh niên, dân quân tại cơ sở đảm bảo lực lượng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra. Tổ chức rà soát các điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất kịp thời cảnh báo cho nhân dân sống trong khu vực chủ động phòng tránh khi mưa lũ xảy ra. Thành lập các tổ công tác cắm chốt nắm tình hình trực tiếp tại các điểm có nguy cơ cao, nhất là khu vực nguy hiểm. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN và các đồng chí lãnh đạo các cấp phụ trách xã, thôn, bản.

Cùng với đó tỉnh Yên Bái đang từng bước nâng cao chất lượng rừng, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, khuyến khích tái trồng rừng, phát triển kinh tế rừng để duy trì và nâng cao khả năng phòng chống thiên tai. Quan tâm cải tạo, nâng cấp, tu bổ, xây mới các công trình thủy lợi, hệ thống đê, kè sông, suối, bảo đảm ứng phó hiệu quả với lũ lụt, hạn hán, trong điều kiện biến đổi khí hậu. Từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo, cảnh báo sớm thiên tai; đầu tư các mô hình công nghệ hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào dự báo, cảnh báo, đo đạc, giám sát thiên tai, khí tượng thủy văn liên quan đến sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy, bồi lắng, xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN – THÀNH LONG

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.