Thứ sáu Ngày 29 Tháng 03 Năm 2024, 11:47:35

Bài 2: Đẩy mạnh kiểm tra giám sát và kỷ luật Đảng để sàng lọc, xây dựng đội ngũ

Ngày đăng: 27/03/2018

Như bài trước đã đề cập: Trong hai năm qua, một số cán bộ cấp cao, cán bộ chiến lược vi phạm đã bị Trung ương kỷ luật, thậm chí bị xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đó khẳng định Đảng ta rất quyết tâm và mạnh tay trong sàng lọc, thải loại cán bộ hỏng, nhưng cũng cho thấy rõ những “lỗ hổng” trong công tác cán bộ (CTCB).

Điểm mặt “một bộ phận không nhỏ”

Tại Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 6, khóa XI cách đây gần 6 năm (tháng 10-2012), phát biểu bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự băn khoăn khi Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XI chậm đi vào cuộc sống. Thời điểm ấy, dư luận xã hội xôn xao ngờ vực: Một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, biến chất… được nghị quyết này xác định đang ở đâu, khi mà Đảng đã quyết liệt, ráo riết tiến hành nhiều đợt tự phê bình và phê bình ở tất cả các cấp?

Câu hỏi tưởng chừng như khó đưa ra đáp án ấy, thì nay được minh chứng bằng những số liệu rõ ràng và những nhân vật cụ thể. Trong 5 năm (chủ yếu là 4 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XI, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật gần 1.400 tổ chức đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp. Trong số đảng viên bị kỷ luật, có 82 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật. Cùng với đó, chỉ tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đến nay, Đảng ta đã kỷ luật hàng chục cán bộ cao cấp từ hình thức khiển trách trở lên. Đó là những cán bộ lãnh đạo đương chức ở các địa phương: TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Hải Phòng, Đồng Nai, Hậu Giang và cán bộ lãnh đạo các bộ: Công Thương, Nội vụ; lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Không những vậy, một số cán bộ cấp cao nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật do có sai phạm trong thời gian đương chức, như: Nguyên lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hậu Giang, Bình Định, Gia Lai, Hải Phòng, Quảng Nam, Đắc Lắc và nguyên lãnh đạo: Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ… Ngoài ra, hàng loạt cán bộ đương chức hay từng giữ chức vụ chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc của một số tập đoàn kinh tế lớn cũng bị xử lý kỷ luật, có người đã bị khởi tố hình sự. Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã kiên quyết cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị đối với một cá nhân; cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng đối với một số cá nhân do vi phạm các khuyết điểm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và đội ngũ cán bộ (ĐNCB). Việc xử lý ấy dù không ai muốn nhưng thực sự là điều cần thiết, vừa để giữ nghiêm kỷ luật Đảng, vừa để làm trong sạch bộ máy.

Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo.

Điểm lại những con số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật nêu trên để thấy rõ hơn việc cần thiết phải nâng cao hơn nữa chất lượng lãnh đạo, tổ chức thực hiện CTCB và xây dựng ĐNCB của Đảng nói chung, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng nói riêng. Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản từng chia sẻ: Chính những hạn chế trong thực hiện quy trình CTCB, nhất là việc thẩm định, đánh giá cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng tạo ra kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ.

Nhận thấy những hạn chế trong CTCB và xây dựng ĐNCB, suốt 27 tháng qua kể từ sau Đại hội XII, BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt triển khai các biện pháp khắc phục, kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm (kể cả cán bộ đương chức, cán bộ đã nghỉ hưu, nghỉ chế độ). Minh chứng là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 23 kỳ kể từ sau Đại hội XII. Kỳ họp nào kết thúc cũng có những “tin nóng”, có những cá nhân, tập thể bị xử lý kỷ luật. Các kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý đảng viên vi phạm được công khai ở mức độ khá chi tiết trên hệ thống truyền thông trong nước và quốc tế.

Nhìn lại các vụ án, sự vụ, sự việc liên quan đến CTCB, những thông tin và kết quả đạt được, cho thấy nhiều bài học giá trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém trong CTCB. Thế nhưng, đây cũng chỉ là một số ví dụ tiêu biểu, một số kết quả bước đầu và nhất thiết không được thỏa mãn dừng lại như cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do vậy, chống tiêu cực trong CTCB muốn thành công rất cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, Đảng phải tiếp tục dựa vào dân để giám sát, lựa chọn, giới thiệu cán bộ, “biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, như Bác Hồ từng căn dặn.

Trong tình hình mới, khi mà các hành vi lợi dụng quy trình, luồn lách vào khe hở công tác nhân sự, hình thành lợi ích nhóm trong CTCB ngày càng tinh vi, phức tạp thì công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng càng phải quyết liệt, kịp thời, nghiêm minh. Loại bỏ khỏi đội ngũ của mình những người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thẳng tay cắt bỏ “u nhọt” và trừng phạt nghiêm khắc những phần tử cơ hội, biến chất, tham nhũng… Những biện pháp đó, việc làm đó không làm cho Đảng ta yếu đi, mà chắc chắn sẽ làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Biết dựa vào dân, phát huy vai trò của nhân dân

GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Nếu việc kỷ luật cán bộ đúng bản chất kỷ luật tự giác, nghiêm minh, sẽ tạo nên môi trường tốt nhất để phát huy dân chủ, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, tưởng thành. Đó cũng là cách chúng ta khắc phục triệt để tình trạng để cán bộ “tự bơi”, tự tìm kiếm, vận động để “phát triển” như ở một số nơi thời gian qua.

Để xảy ra tiêu cực trong CTCB không chỉ “giúp” người xấu thăng tiến, mà còn khiến cán bộ tốt thui chột ý chí phấn đấu, đánh mất niềm tin vào tổ chức, vào tập thể. Tiêu cực trong CTCB dẫn đến tình trạng một số người không vững vàng về tư tưởng chính trị, qua đó mà suy nghĩ tiêu cực, bi quan, bè phái, mất đoàn kết; nhiều trường hợp bị kích động trở thành kẻ chống đối, cơ hội chính trị, “trở cờ”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là những điều hết sức nguy hại, nếu không sớm có giải pháp khắc phục sẽ là nguy cơ lớn đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực tế cho thấy, công tác kỷ luật cán bộ của Đảng, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, mang đến nhiều hiệu ứng tích cực. Trước hết, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trong ĐNCB, đảng viên, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, lập lại trật tự, kỷ cương trong Đảng và hệ thống chính trị; tạo được sự chuyển biến bước đầu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đồng thời, khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm trong CTCB và thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Từ việc duy trì “kỷ luật thép” trong Đảng giúp ĐNCB, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp quan tâm, coi trọng nhiều hơn đến việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực công tác; chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn; có những đổi mới về lề lối và phong cách làm việc. Cán bộ, đảng viên đã tự giác tự phê bình, nghiêm khắc với bản thân hơn trước, giữ gìn đạo đức, lối sống, bước đầu tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động trong thực tiễn công tác và cuộc sống của bản thân, gia đình, vợ chồng, con cái, người thân, tạo được uy tín đối với quần chúng.

Bên cạnh những thành quả và hiệu quả rất lớn trong công tác kiểm tra giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, thời gian qua vẫn còn những hạn chế, vướng mắc nảy sinh cần sớm có giải pháp khắc phục. Thực tiễn cho thấy, gần đây nhiều vụ án tiêu cực được đưa ra xử lý, nhưng ít thấy đề cập đến trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong đánh giá, thẩm định chất lượng cán bộ trước khi giới thiệu để cấp trên bổ nhiệm, đề bạt. Cũng hiếm thấy cấp trên trực tiếp phát hiện cấp dưới sai phạm để xử lý và càng hiếm có chuyện cấp dưới phát hiện cấp trên sai phạm để phê bình, tố giác. Phần lớn, các vụ việc tiêu cực, vi phạm của cán bộ, đảng viên đều do nhân dân và báo chí phản ánh, tố giác. Bởi vậy, vấn đề đặt ra đối với mỗi cấp ủy, tổ chức đảng khi đánh giá cán bộ là cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, cấp ủy, tổ chức đảng cần phân tích kỹ dư luận xã hội có liên quan đến cán bộ, nhất là về phẩm chất, năng lực, đạo đức của cán bộ. Sẽ là không sai nếu cho rằng, một số cán bộ có thể rất khéo che đậy hành vi khuyết điểm của mình ở cơ quan, đơn vị; nhưng sẽ không thể giấu được những vi phạm khuyết điểm trong mắt của nhân dân.

Vậy, vì sao phần lớn sai phạm của cán bộ chỉ được phát hiện từ nhân dân, từ báo chí? Qua nghiên cứu thực tế, thấy rằng: Nguyên nhân trước hết xuất phát từ chính sự đan xen lợi ích (lợi ích nhóm). Vì cán bộ, đảng viên sợ ảnh hưởng đến lợi ích nên nhiều người không muốn đấu tranh với sai trái, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu. Phần khác, số đông cán bộ, đảng viên ngại phê bình là do sợ bị trù dập, chèn ép; muốn an phận, thủ thường… Đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ Đảng cho rằng, những biểu hiện nói trên không bỗng nhiên xuất hiện, mà có quá trình tích tụ như một ung nhọt nhỏ rồi phát triển qua nhiều giai đoạn. Kể từ sau Đại hội XII đến nay, những biểu hiện này được khắc phục phần nhiều. Nhưng trước yêu cầu của thực tiễn, Đảng cần tiếp tục làm mạnh tay, bài bản hơn nữa. Cũng cần chú ý đến việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa duy trì nghiêm kỷ luật Đảng với bảo đảm môi trường lạc quan, phấn chấn trong công tác, cống hiến của số đông cán bộ, đảng viên.

Quyết tâm của Đảng trong phát hiện, xử lý cán bộ vi phạm kỷ luật là điều được dư luận hết sức quan tâm và được nhân dân ghi nhận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước. Tuy nhiên, để phần việc này mang lại hiệu quả thiết thực, các cấp ủy, tổ chức đảng phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của nhân dân. Theo đó, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu, có hình thức phù hợp, hiệu quả trong tiếp thu, lắng nghe ý kiến phản biện của nhân dân đối với cán bộ ở từng cấp, nhất là những cán bộ trong diện quy hoạch hoặc trước khi được đề bạt, bổ nhiệm. Đành rằng, từ trước tới nay, thực hiện quy định của Đảng, cán bộ trước khi bổ nhiệm đều được cấp ủy, tổ chức đảng (cả nơi công tác và nơi ở) đánh giá; đều tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của ĐNCB chủ chốt. Nhưng thực tiễn việc phát huy hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ cán bộ được tín nhiệm ở mức nào cũng không được các cơ quan chức năng công bố. Bởi vậy, cần phải mở rộng tính dân chủ cao hơn; đồng thời tôn trọng tất cả những ý kiến có liên quan đến cán bộ.

Mặt khác, không vì cơ cấu, độ tuổi, hoặc để đạt được những kết quả trước mắt, mà đơn giản, bỏ qua những khuyết điểm của cán bộ. Thực tiễn từ chất lượng cán bộ và xây dựng ĐNCB nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay cho thấy: Hầu hết số cán bộ phải xử lý đều vi phạm ở những giai đoạn trước; thậm chí không ít trường hợp có dư luận không tốt. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, cũng có trường hợp, bằng những vỏ bọc hết sức tinh vi khiến tổ chức chưa đánh giá đúng, chưa thấy được khuyết điểm trong quá trình lựa chọn, bổ nhiệm; nhưng cũng không phải không có trường hợp, cán bộ “đang có vấn đề”, đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, vẫn được tổ chức cất nhắc, bổ nhiệm. Đó chính là bài học đau xót trong CTCB và xây dựng ĐNCB cho nhiệm kỳ Đại hội XII. Bài học thất bại này cần được Đảng nhìn nhận, phân tích để có những giải pháp hữu hiệu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành CTCB và xây dựng ĐNCB cho nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo.

“Kiên quyết khắc phục những yếu kém trong CTCB và quản lý cán bộ; xây dựng ĐNCB, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. (Trích: NQTƯ 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng).

(Theo QĐND)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.