Thứ bảy Ngày 20 Tháng 04 Năm 2024, 04:13:21

Bác dạy: “Lương y phải như từ mẫu”

Ngày đăng: 27/02/2020

QK2 – Cách đây đúng 65 năm, ngày 27 tháng 2 năm 1955, Báo Nhân dân đăng bức thư của Bác gửi cho Hội nghị cán bộ Y tế. Bức thư ngắn gọn, chỉ khoảng hơn ba trăm từ nhưng súc tích và dễ hiểu, lời lẽ giản dị, tuy nhiên toát lên những nội dung hết sức quan trọng của ngành y tế phải đạt được, đó là: Phải thật thà đoàn kết; Thương yêu người bệnh và Xây dựng nền y học nước nhà.  

Nội dung bức thư như sau:

“Gửi Hội nghị Cán bộ Y tế !

Bác thân ái chúc các cô (nghe nói có nữ bác – sĩ ở Nam về?) các chú vui vẻ mạnh khỏe, hăng hái trao đổi kinh nghiệm, bàn định kế hoạch cho thiết thực, và làm việc cho tiến bộ. Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô các chú thảo luận:

– Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các bộ trưởng, thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân.

– Thương yêu người bệnh. Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng.

– Xây dựng một nền y học của ta. Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay chúng ta đã độc lập tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với sự nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng. Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “đông” và thuốc “tây”. Mong các cô các chú cố gắng thi đua, làm tròn nhiệm vụ.

Chào thân ái và thành công.”

Bức thư của Bác gửi 65 năm trước là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng của Người về ngành y tế, trở thành phương châm hành động của cán bộ, nhân viên trong ngành.

Trong suốt cuộc đời hoạt động, Người luôn quan tâm đến sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân. Người từng nêu phương châm "Phòng bệnh là chính" lên hàng đầu. Người căn dặn phải dạy đồng bào vệ sinh thường thức. Quan điểm của Người là: "Mỗi người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là góp phần làm cho cả nước mạnh khoẻ", "…Việc gì cũng cần có sức khoẻ mới thành công". Người kêu gọi "luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước". Người đã phát động phong trào "đời sống mới" với nội dung chủ yếu là giữ gìn vệ sinh.

Mỗi khi đi thăm một xí nghiệp, một hợp tác xã, cơ quan, đơn vị bộ đội, trường học hay bệnh viện…, Người chú ý xem nơi ăn, chốn ở, nhà bếp, nguồn nước, nhà tắm, hố xí và dặn dò mọi người ăn ở trật tự vệ sinh, nghiêm khắc phê bình cán bộ lãnh đạo ở một số đơn vị xem thường công tác vệ sinh và đời sống quần chúng.

Bác còn nhắc nhở cán bộ y tế: "Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu, phải dịu dàng, khiêm tốn, thương yêu đồng bào, không được hách dịch ban ơn…"

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hành động của các thế hệ thầy thuốc. Vâng lời Bác dạy, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành về mọi mặt, từ tổ chức mạng lưới đến chất lượng trong công tác phòng và chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân…

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện 109 thường xuyên học tậpnâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Bộ đội quân y đã đạt được nhiều thành công trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến và cả trong thời bình, khẳng định vai trò quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, toàn quân. Lịch sử ghi danh những chiến sỹ áo trắng không quản ngại nguy hiểm, khó khăn, thiếu thốn luôn có mặt tại các chiến hào để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho tiền tuyến. Trong số họ, có biết bao người đã để lại một phần máu xương của mình hay vĩnh viễn ra đi vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Điển hình là tấm gương chiến đấu, hy sinh của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong kháng chiến chống Mỹ.

Ngành quân y Quân khu 2 vâng lời Bác dạy, những năm gần đây đã có nhiều thành tích trong thu dung, điều trị và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa; trở thành một trong những lực lượng xung kích đi đầu trong khám chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân trên địa bàn.

Kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, ngành y tế tiếp tục có nhiều thành tích mới được xã hội ghi nhận. Những người thầy thuốc Việt Nam đóng góp vai trò quan trọng trong phòng chống dịch Covid-19. Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay, Bộ Y tế không tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh các thầy thuốc vì còn phải dồn sức “chống dịch như chống giặc”. Năng lực chống dịch Covid-19 của ngành y tế Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và đánh giá cao khi 16/16 người bệnh đều được chữa khỏi và xuất viện. Quân đội nói chung, quân y nói riêng cũng được Chính phủ và Nhân dân đánh giá cao trong thực hiện chức năng, vai trò phòng chống dịch Covid-19.

Có lẽ đó là món quà lớn của ngành y tế nói chung, ngành quân y nói riêng trong thực hiện lời Bác: “Lương y phải như từ mẫu”…

KB

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.