Thứ sáu Ngày 26 Tháng 04 Năm 2024, 06:19:44

Anh thương binh làm kinh tế giỏi

Ngày đăng: 10/03/2016

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, trở về với đời thường, nhiều cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới, đi đầu trong phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Cựu chiến binh, thương binh Lê Văn Tiên ở xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc là một chiến sĩ như thế.
Chúng tôi đến thăm trang trại của thương binh Lê Văn Tiên vào một sáng sớm, sương mờ lạnh phủ kín mặt hồ Vực Quảng Cư rộng ngút tầm mắt. Vừa xuất chuồng hai lứa lợn 240 con, thương binh Lê Văn Tiên cùng người anh trai Lê Văn Diện có vẻ đã nhàn rỗi hơn với công việc ở trang trại. Gọi là nhàn rỗi hơn vì dãy chuồng trại không còn lợn, nhưng anh Tiên cho biết, phải nhanh chóng dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để nhập giống đợt tiếp theo. Dưới mặt hồ, khoảng bốn chục tấn cá đang chờ hai lao động chính ấy đang sử dụng máy thái thân cây chuối để thêm làm thức ăn. Chiếc điện thoại di động của anh Tiên liên tục đổ dồn.

Anh Lê Văn Tiên (trái) trao đổi công việc cùng anh trai Lê Văn Diện bên hồ cá.

Anh Lê Văn Tiên (trái) trao đổi công việc cùng anh trai Lê Văn Diện bên hồ cá.

Đúng ba chục năm trước, chàng trai trẻ Lê Văn Tiên nhập ngũ và tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chiến đấu trên chốt được một thời gian thì anh bị thương. Sau khi chữa lành vết thương tại bệnh viện quân y, anh được giải quyết chế độ phục viên với tấm thẻ thương binh, mất 31% sức khỏe.
Trở về địa phương đúng vào thời kỳ đầu đổi mới đất nước, khó khăn chồng chất khó khăn. Bố mẹ làm ruộng, gia đình không có ngành nghề phụ, không có vốn, bản thân bằng cấp không, sức lao động thì giảm sút. Làm gì để sống và bắt đầu từ đâu? Câu hỏi ấy cứ đau đáu, cứ là nỗi trăn trở thường trực của người thương binh trẻ ngày ấy.
Được sự động viên của gia đình, anh Tiên xây dựng hạnh phúc với chị Trần Thị Huệ. Lấy nhau rồi, vợ chồng trẻ năm lần bảy lượt bàn nhau tìm cách làm ăn. Nếu chạy chợ, buôn bán, sức khỏe, đi lại khó khăn, chi bằng ở nhà làm kinh tế trên mảnh đất thuần nông.
Những năm đầu, hai vợ chồng mua một con bò bằng tiền đi vay lãi và gần 2 mẫu ruộng trồng lúa và rau màu, mua máy phay đi cày thuê. 4 năm sau ngồi nhẩm tính lại thấy công sức bỏ ra quá nhiều mà thu nhập chẳng được là bao. Anh Tiên đã nghĩ đến phát triển kinh tế trang trại, tuy nhiên khó khăn về dồn điền đổi thửa. Suy nghĩ ấy cứ đeo bám mãi. Đến năm 2000, anh Tiên mạnh dạn cùng một số lao động trong làng đầu thầu hồ Vực Quảng Cư với diện tích khoảng 10 ha để đầu tư nuôi cá, vịt, thả lợn. Thu nhập hằng năm đã khá hơn nhưng lại là của nhiều người, không thể độc lập để đầu tư lớn được. 5 năm sau, anh Tiên quyết tâm thầu độc lập lại hồ.
Theo anh Tiên, đây là thời điểm khó khăn nhất vì yêu cầu vốn lớn, vừa mua con giống, vừa phải cải tạo hệ thống chuồng trại, lại cần nghiên cứu kỹ thuật để đầu tư đúng thời vụ, đạt hiệu quả cao. Trên địa bàn xã Tam Phúc, anh Tiên là người đầu tiên đầu tư nuôi giống lợn siêu nạc. Nhờ mạnh dạn, từ lúc đầu tư ban đầu chỉ khoảng 60 đến 80 đầu lợn mỗi lứa, đến nay, mỗi lứa lợn thịt nuôi khoảng 200 đến 300 con, ngoài ra còn thả cá, nuôi vịt. Trong chăn nuôi, có thời điểm giá cả thị trường xuống thấp, nhiều hộ gia đình bỏ không chuồng trại, anh Tiên do dự nhưng rồi nghiên cứu quy luật thị trường, nếu bỏ lợn thì cá dưới hồ không còn nguồn thức ăn, chậm phát triển. Thời gian đầu kinh nghiệm chưa có, dịch bệnh lại hay xảy ra. Có thời điểm hàng trăm con lợn đổ bệnh, chữa vài ba tuần không dứt, Anh Tiên phải kiên trì học hỏi, nghiên cứu qua sách vở và kinh nghiệm từ các bác sĩ thú y, vì thế, sau hơn 10 năm độc lập làm trang trại, thương binh Lê Văn Tiên có kinh nghiệm và trình độ như một cán bộ thú y thực thụ, tự tìm cách phòng, chữa dịch bệnh ở trang trại của mình và tư vấn, hỗ trợ các trang trại trong khu vực.
Từ lúc còn thiếu vốn, phải đi vay, nay anh Tiên đã có vốn lưu động khoảng 1,5 tỷ đồng, số lãi thu được hằng năm từ nuôi cá, nuôi lợn khoảng 400 đến 600 triệu đồng. Vợ chồng anh nuôi hai cháu học đại học, làm nhà cửa, mua ô tô.
Chị Trần Thị Huệ, vợ anh giờ là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Phúc trao đổi, toàn bộ tiềm lực kinh tế gia đình giờ đây có được là từ kinh tế trang trại, chứ công việc của chị bận bịu tối ngày và cũng chỉ thu nhập theo đồng lương công chức. Chị cũng chia sẻ, anh đã cố gắng gượng mỗi khí trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát làm anh đau đớn, nhưng vượt lên những khó khăn ấy là sự lao động sự cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tìm tòi và ý chí lao động kiên cường của anh Tiên – người thương binh làm giàu từ chính sức lao động của mình.
Bài, ảnh: ĐỨC ĐÀO

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.