Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 05:36:36

Anh hùng La Văn Cầu

Ngày đăng: 01/12/2015

Anh hùng La Văn Cầu sinh năm 1932 ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Tên thật của ông là Sầm Phúc Hướng, người dân tộc Tày. Với lòng căm thù giặc, năm 16 tuổi, La Văn Cầu đã làm đơn xin đi bộ đội và được biên chế vào Đại đội 671 (Trung đoàn Cao – Bắc- Lạng), Đại đoàn 316 (Nay là Trung đoàn 174, Sư đoàn 316). Trong chiến tranh Đông Dương, từ năm 1948 đến năm 1952 ông đã tham gia chiến đấu trong nhiều trận đánh quan trọng. Trong đó, trận đánh Đông Khê (Cao Bằng) Chiến dịch Biên giới 1950, La Văn Cầu đã nhận nhiệm vụ mở hàng rào làm “đột phá khẩu” để đơn vị công đồn. Và ông đã để lại một phần xương máu của mình trong trận đánh này.

Anh hùng LLVTND La Văn Cầu.

Anh hùng LLVTND La Văn Cầu.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 16/9/1950, ta buộc phải dùng quả bộc phá nặng 12kg để phá hủy một lô cốt địch trên cao với sự yểm trợ của pháo binh. Tuy nhiên hỏa lực của địch quá mạnh nên đến đêm 16/9 ta vẫn chỉ chiếm được một phần ba trận địa. Khoảng nửa đêm ngày 17/6, ông Cầu được lệnh dùng bộc phá đánh vào lô cốt lớn. Trong lúc đang chuẩn bị thì ông bị hai viên đạn trúng người. Một viên trúng má phải và viên kia trúng vào cổ tay khiến ông ngã xuống ngất lịm. Tỉnh lại, ông nghĩ ngay tới nhiệm vụ phải phá bằng được lô cốt nhưng cánh tay phải của mình bị thương, ông vẫn cố gắng để tìm quả bộc phá rồi ôm chặt vào ngực và trườn lên phía trước. Lúc này, cánh tay phải bị thương lủng lẳng, vướng víu. Không phút suy nghĩ, ông nhờ người đồng đội Nông Văn Thêu (là tiểu đội trưởng) giúp mình chặt cánh tay bị thương để khỏi vướng. Sau đó, La Văn Cầu ôm bộc phá bằng tay trái và chạy nhanh về phía các lô cốt. Ông giật một lúc hai nụ xòe rồi ngất xỉu. Sau đó, một đồng đội trẻ tên Lý Văn Mưu thay ông ôm bộc phá giật kíp và lao vào lô cốt thứ hai. Trước sức tiến công quyết liệt của bộ đội ta, địch phải lui về khu nhà chỉ huy cố thủ, quân ta thọc sâu chiếm Sở chỉ huy, buộc số địch còn lại xin hàng. Trận đánh kết thúc, nhiều đồng đội nhường cáng cứu thương cho La Văn Cầu nhưng ông từ chối với lý do “mình vẫn còn đủ hai chân”. Sau đó ông băng rừng vượt núi về trạm xá. Cổ tay bị nhiễm trùng và hoại tử. Các bác sỹ phải cắt hết cả cánh tay mới cứu được mạng sống của ông.
Với thành tích trong chiến đấu, ngày 19 tháng 5 năm 1952, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Anh hùng LLVTND”. Cùng năm, ông được trao tặng danh hiệu “Anh hùng thi đua Ái quốc”. Ông được phong hàm Đại tá năm 1985 và trao tặng Huân chương Quân công Hạng Nhì, Hạng Ba và Huân chương kháng chiến Hạng Nhất. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng câu chuyện về người anh hùng La Văn Cầu đã in đậm trong tâm trí của biết bao thế hệ.
VŨ HƯƠNG (st)

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.