Thứ tư Ngày 24 Tháng 04 Năm 2024, 08:53:50

Anh bộ đội Việt Nam và những việc làm giúp người dân Lào

Ngày đăng: 25/01/2019

QK2 – Gần gũi, hiểu dân, tận tình, chu đáo, hết lòng với dân, đó là nhận xét của ông Chăn Phăn, Trưởng cụm bản cũng như bà con đồng bào Khơ Mú ở cụm bản Pha Thí (huyện Sam Neua, tỉnh Houaphan, Lào) dành cho Đại tá Nguyễn Hữu Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Hợp tác Quốc tế 705 (Quân khu 2)-người được dân bản gọi với tên thân thương: “Ại Hậu”. Hơn 35 năm trong quân ngũ thì phần lớn thời gian anh gắn bó với đồng bào, có lẽ vậy nên bà con các dân tộc Bắc Lào đều coi anh như người con của bản.

Thành công nhờ hiểu dân, tận tình với dân

Được đào tạo cơ bản tiếng Lào tại Trường Đại học Sư phạm Quốc gia Lào từ năm 1985 đến 1990 và trải qua nhiều cương vị công tác, dù ở đâu, lĩnh vực nào, anh Nguyễn Hữu Hậu cũng luôn tận tâm với công việc. Năm 2011, từ một cán bộ của Phòng Dân vận (Quân khu 2), anh được điều động bổ nhiệm giữ chức Đội trưởng Đội Xây dựng cơ sở chính trị (XDCSCT) số 1 ở cụm bản Pha Thí, huyện Sam Neua, tỉnh Houaphan. Hiểu phong tục, tập quán, lại thông thạo tiếng đồng bào, anh luôn gần gũi, giúp đỡ người dân địa phương trong phát triển kinh tế gia đình nên được mọi người yêu quý như chính người con của bản.

Đại tá Nguyễn Hữu Hậu (thứ hai, từ trái sang) cùng cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Oudomxay ủng hộ nhân dân bị ảnh hưởng do vỡ đập thủy điện tại huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thoong Văn, Trưởng bản Mường Nhựt cho biết: "Ại Hậu lăn lộn với địa phương, hướng dẫn từng người kỹ thuật trồng rau, làm giàn trồng bí xung quanh nhà và cách phòng, chống rét cho đàn gia súc. Ại Hậu tài lắm, nói đi đôi với làm nên bà con tin tưởng anh tuyệt đối. Lúc ốm đau bà con không còn gọi thầy về cúng như trước nữa mà tìm đến đội, nhờ Ại Hậu cử bác sĩ xuống thăm khám, chữa trị để khỏi nhanh cái bệnh. Anh còn vận động người dân trong bản đóng góp xây dựng quỹ xóa nghèo, quỹ quốc phòng, an ninh và xây trường học cho trẻ em. Rồi anh lại cùng cán bộ trong đội góp tiền lập quỹ xóa nghèo, người dân trong bản thấy vậy đã làm theo và từ đó bản Pha Thí này có quỹ để mua gạo, muối hỗ trợ những hộ khó khăn…". Rồi ông Thoong Văn đưa chúng tôi đi thăm ngôi trường của bản. Trên đường đi, ông Thoong Văn kể: "Lúc đầu nghe Ại Hậu nói về việc vận động dân bản đóng góp xây trường học cho con trẻ có chỗ học, ngay tôi cũng không thực sự tin. Nhưng Ại Hậu vẽ trên giấy, dẫn cán bộ cụm bản ra chỉ nơi xây trường, rồi đến từng nhà vận động mọi người tham gia cuốc đất san nền, lên rừng lấy gỗ. Ại Hậu phân công từng việc, động viên mọi người cùng tham gia nên ngôi trường nhanh chóng hoàn thành. Chính vì vậy, người dân chúng tôi mới gọi là "trường Ại Hậu".

Rời bản Mường Nhựt, chúng tôi vượt quãng đường gần 6km để đến bản Huổi Mạ. Thấy Đại tá Nguyễn Hữu Hậu về thăm người dân trong bản, ai cũng niềm nở chào hỏi. Những cử chỉ ân cần như đón người thân đi xa lâu ngày trở về mà dân bản dành cho anh khiến chúng tôi xúc động. Ông Nọi Pị Xay, người dân trong bản kể cho chúng tôi nghe chuyện ngày Ại Hậu còn làm đội trưởng. Trong một lần đi khảo sát hộ nghèo trong bản, anh gặp hai bà mẹ độc thân là Pạ Sợt và Khun. Hai mẹ từng là quân y, giúp bộ đội Việt Nam trong trận đánh ở điểm cao Pha Thí trước đây. Thời điểm đó hai mẹ tuổi đã cao, lại ốm yếu lâu ngày, không có người thân chăm sóc. Ại Hậu đến tận nhà thăm hỏi, động viên và thuyết phục hai mẹ để bộ đội Việt Nam đến khám, chữa bệnh. Khi hai mẹ đồng ý, anh bàn với chỉ huy đội cử quân y đến khám, chữa bệnh, cấp thuốc và chăm sóc hai mẹ. Chỉ một thời gian ngắn, sức khỏe hai mẹ đã bình phục. Ngày Ại Hậu được điều chuyển đi nhận nhiệm vụ mới, cả bản tổ chức bữa cơm chia tay anh. Hôm ấy hai mẹ cứ ôm lấy anh mà khóc và nói lời cảm ơn, chúc sức khỏe. Còn người dân trong bản cùng nhau buộc những sợi chỉ chúc phúc vào cổ tay anh.

Đại tá Nguyễn Hữu Hậu (thứ hai, từ trái sang) trong lần nghiệm thu công trình thủy lợi tại huyện Muang Sing, tỉnh Luang Namtha.

Đổi đời nhờ làm theo Ại Hậu

Khi cơn mưa bất chợt buổi chiều vừa ngớt cũng là lúc chúng tôi vượt qua những vạt lúa trải dài theo từng sườn núi. Chị Nàng Ken cho biết, đây là ruộng của Ại Hậu đấy. Nhiều năm về trước, Ại Hậu đã "cầm tay chỉ việc" để dân bản biết làm bờ đắp ruộng, gieo rau, trồng bí. Chị Nàng Ken bảo ngày trước nhà chị cũng phải lên núi đào củ, lấy măng về mới đủ ăn. Cảm thông với nỗi khổ của gia đình, Ại Hậu đã chỉ cho dân bản cách làm ra nhiều lúa, ngô, rau, quả. "Không chỉ gia đình chị Nàng Ken mà tất cả người dân bản Mường Nhựt, bản Huổi Mạ, bản Co Hay, bản Sốp Ca đều biết đến Ại Hậu và bộ  đội Việt Nam. Họ nhớ bởi mỗi mùa thu hoạch từng trái bưởi trong vườn, con cá dưới ao, đàn gà, ngan, vịt… đều in dấu các anh. Sự đổi thay của 420 hộ gia đình ở cụm bản Pha Thí hôm nay đều nhờ công rất lớn của Ai Hậu và Bộ đội Cụ Hồ", ông Chăn Phăn, Trưởng cụm Pha Thí tâm sự. Rồi ông khẳng định: "4 bản trong cụm hiện không còn hộ đói là nhờ Ại Hậu giúp bà con cách khai hoang, mở đất trồng lúa, trồng ngô. Bộ đội làm trước để bà con xem cách trồng cây bưởi lai, làm chuồng trại, chăm sóc vật nuôi. Hiện nay, nhiều gia đình có đến cả chục con trâu, bò trong nhà. Riêng gia đình tôi có 16 con trâu, bò và một đàn dê 18 con. Tổng kết năm 2017, cụm bản Pha Thí có 6 mô hình trồng cây ăn quả, 68 hộ nuôi gà thịt giỏi, gần 30 hộ có ao thả cá giống như ao của bộ đội Việt Nam. Đấy là những mô hình làm theo Ại Hậu".

Một trong những câu chuyện khiến chúng tôi cảm động là cuộc trò chuyện giữa Ại Hậu và ông Khăm Muôn Súc Chạ Lơm, 78 tuổi, thương binh hạng ¼, ở bản Viêng Khăm Nhầy, người đã cùng bộ đội Việt Nam tham gia đánh trận ở điểm cao Pha Thí. Hơn 35 năm phục vụ trong quân đội, ông về hưu với quân hàm Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 502, Cục Tình báo quân đội Lào. Ông kể chuyện được gặp Bác Hồ tại tỉnh Phú Thọ năm 1962. Ông còn nhớ như in lời Bác Hồ căn dặn bộ đội Việt-Lào là phải đoàn kết giúp nhau, không được bỏ nhau, vì Việt Nam và Lào là anh em. Khi chia tay, ông Khăm Muôn ghì chặt bờ vai Ại Hậu và nói: “Lần sau có dịp qua đây, bố mời các con vào nhà ăn cơm và nghỉ ngơi nhé”.

Đại tá Nguyễn Hữu Hậu (thứ hai, từ trái sang) trò chuyện với bà con cụm bản Pha Thí về xây dựng nếp sống văn hóa.

Trung tá Tòng Văn Thanh, người có 13 năm giữ cương vị Phó đội trưởng, rồi Đội trưởng Đội XDCSCT ở cụm bản Na Luổng, huyện Phonthong, tỉnh Luang Prabang tâm sự: “Đại tá Nguyễn Hữu Hậu thực sự là một trong số rất ít cán bộ có bề dày kinh nghiệm trong thực tiễn công tác XDCSCT bên đất bạn. Mỗi dịp đến với anh em ở đội, anh thường dành thời gian bồi dưỡng, truyền thụ kinh nghiệm, giúp cán bộ, nhân viên thêm kỹ năng khi tiếp xúc với dân bản. Anh bảo là cán bộ làm công tác đặc biệt này, trước hết phải am hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán và có khả năng tốt trong công tác nắm, quản lý tình hình địa bàn; phải biết nghe dân nói, hiểu dân làm, thấu hiểu cái khó của dân, cái khổ của dân thì mới biết cách và tận tâm, tận lực với dân như chính người thân của mình. Có như vậy nhân dân mới tin, nghe và làm theo và chắc chắn nhân dân sẽ coi bộ đội như con em của bản. Anh thực sự là một cán bộ biết cách truyền thụ kinh nghiệm công tác cho cấp dưới mà chính chúng tôi, những cán bộ, chỉ huy ở đội phải học tập, noi theo".

Đại tá Bùi Văn Đại, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Hợp tác Quốc tế 705 đánh giá: “Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc công ty, Đại tá Nguyễn Hữu Hậu luôn thể hiện sự mẫu mực, nói đi đôi với làm, tập hợp được trí tuệ của tập thể, luôn tận tâm với mọi hoạt động của đơn vị. Anh thực sự là đầu tàu trong thực hiện quy chế dân chủ, thực hiện tốt nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Mọi chủ trương, công việc anh đều tranh thủ ý kiến trong lãnh đạo, chỉ huy trước khi đưa ra tập thể bàn bạc. Điều này cho thấy, khi trong Đảng thực sự dân chủ, nội bộ đã có sự thống nhất cao, đoàn kết tốt, trên dưới đồng lòng, đặc biệt có những người cán bộ chủ trì như Đại tá Nguyễn Hữu Hậu, chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: TRUNG HIẾU

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.