Thứ năm Ngày 28 Tháng 03 Năm 2024, 03:24:57

9 nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống mua bán người

Ngày đăng: 20/09/2022

QK2 – Bộ Quốc phòng vừa ban hành công văn số 2978/BQP-BĐBP về việc tăng cường công tác phòng, chống mua bán người (MBN). Theo đó, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 9 nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về đấu tranh, phòng, chống MBN theo tinh thần Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị; các Kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo 138/CP, Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ; Kế hoạch phòng, chống MBN giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030 (ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-BQP ngày 14/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng); Công văn số 3682/BQP-BĐBP ngày 22/9/2021 và Công văn số 4790/BQP-BĐBP ngày 01/12/2021 của Bộ Quốc phòng về tăng cường các biện pháp công tác phòng, chống MBN. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, gắn với các khuyến nghị của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Báo cáo TIP năm 2022.

2. Làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn, quản lý chặt đội tượng; sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, áp dụng các biện pháp công tác biên phòng, thường xuyên tuần tra, kiểm soát người phương tiện ra vào khu vực biên giới, vùng biển, cửa khẩu, nhất là các đường mòn, lối mở, sông suối biên giới, kịp thời phát hiện đối tượng tổ chức cho người khác xuất, nhập cánh trái phép; tổ chức giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ hoặc chuyển tuyến nạn nhân; tăng cường phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan đầu tranh, ngăn chặn các đối tượng, đường dây tội phạm MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, tiến hành điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

3. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, có tính răn đe đối với các cá nhân, tổ chức tội phạm MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mở rộng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, pháp luật cho người dân, đặc biệt là các khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, cũng như hậu quả, tác hại của tội phạm gây ra cho nạn nhân, gia đình và xã hội; hướng dẫn Nhân dân chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh và tố giác tội phạm. Các cơ quan báo chí trong Quân đội tăng cường thời lượng đưa tin, bài, hình ảnh, phóng sự phản ánh về các hoạt động phòng, chống MBN.

5. Định kỳ báo cáo, phân tích, đánh giá về tình hình hoạt động của tội phạm MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép và kết quả đấu tranh phòng, chống MBN của cơ quan, đơn vị mình; thống kê, phân tích số liệu về phòng, chống MBN theo mẫu (Ban hành kèm theo Công văn số 3682/BQP-BĐBP ngày 22/9/2021 về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống MBN).

6. Trên cơ sở Quy chế phối hợp số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18/7/2022 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp liên ngành với các sở, ban, ngành địa phương trong việc tiếp nhận, giải cứu, xác minh, xác định, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân MBN, nhất là các nạn nhân trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

7. Tham mưu thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tại khu vực nông thôn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời giải quyết tốt các vấn đề lao động, việc làm cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ trở thành nạn nhân của tội phạm MBN.

8. Tổ chức rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống MBN, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tham mưu cho các Bộ, ban, ngành thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống MBN phù hợp với thông lệ quốc tế để không bị tác động, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế.

9. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và hợp tác quốc tế trong phòng, chống MBN, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; chú trọng các hoạt động trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát hiện, điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm MBN; giải cứu, tiếp nhận và trao trả, chuyển tuyến xuyên quốc gia nạn nhân bị mua bán.

KB

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.