Thứ sáu Ngày 19 Tháng 04 Năm 2024, 06:37:55

Tiếng còi hiệu lệnh

Ngày đăng: 27/06/2019

QK – Trong những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, tiếng Còi điện của Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao là hiệu lệnh thúc giục mọi người lao động với tinh thần “một người làm việc bằng hai”; đồng thời cũng là hiệu lệnh hiệp đồng chiến đấu và phòng tránh có hiệu quả những trận mưa bom ác liệt của đế quốc Mỹ ném xuống nhà máy và các vùng lân cận.

CCB toàn quốc Mặt trận Vị Xuyên, Hà Tuyên tham quan hiện vật “chiếc còi điện”.

Công ty Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tiền thân là “Nhà máy Supe phốt phát Lâm Thao” nằm trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là đơn vị sản xuất phân bón hóa học lớn nhất nước ta (nhà máy cung cấp 2/3 sản lượng của toàn ngành năm 1997) với thiết kế ban đầu 10 vạn tấn supe lân, 4 vạn tấn axít sunfuric/năm. Sản phẩm của nhà máy phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp quốc phòng và các ngành công nghiệp khác. Sau một năm xây dựng, phân xưởng lò hơi hoàn thành  năm 1960, chiếc còi đã thổi lên hồi còi đầu tiên và từ đó tiếng còi trở thành hiệu lệnh làm việc của nhà máy. Còi được thổi một ngày 3 lần vào các giờ: 7 giờ, 11 giờ và 23 giờ.

Ngày 5/8/1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Do vị trí đặc biệt quan trọng của Công ty, đánh phá vào Công ty Supe là phá hoại nền kinh tế và làm tê liệt nền công nghiệp của nước ta, chính vì vậy mà Công ty Supe là một trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ.

Những ngày cao điểm đánh phá của giặc Mỹ, như: Ngày 11/9/1965 với trên 40 lần chiếc máy bay đánh  phá; kẻ thù đã ném xuống khu vực sản xuất của nhà máy trên 100 quả bom các loại, gây thiệt hại lớn về người và thiết bị. Ngày 25/7/1972 với trên 300 lần chiếc máy bay ném bom và bắn nhiều loạt rốc két gần như hủy diệt toàn bộ khu vực nhà xưởng, nhà ở của công nhân…

Trước những đau thương, mất mát và tổn thất nặng nề, lực lượng tự vệ, cán bộ công nhân viên nhà máy sục sôi lòng căm thù giặc Mỹ, với khẩu hiệu “tay búa, tay súng”, công ty vừa lo sản xuất liên tục vừa lo sơ tán, sửa chữa máy móc, đào hầm hào xây dựng trận địa, chiến lũy, phối hợp với bộ đội phòng không đánh trả máy bay Mỹ. Công ty cho đào đắp các ụ chắn quanh rào, gần 18.000m hào giao thông,  trên 7.000 hầm trú ẩn cá nhân, xây dựng quanh khu vực công ty 19 trận địa phòng không, 21 trận địa trên các nóc công trình, phân xưởng. Lực lượng tự vệ nhà máy thành lập hai tiểu đoàn trực chiến với trang bị hỏa lực 20 ly và 12 ly 7, còn lại là trang bị súng bộ binh. Trong chiến đấu có các tổ trực chiến, dù trong tình huống nào, kể cả khi địch đánh phá cũng không được rời vị trí.

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Tây Bắc và Đảng ủy Ban Giám đốc nhà máy thống nhất lấy tiếng còi của nhà máy làm hiệu lệnh báo động phòng không, hiệp đồng chiến đấu của lực lượng tự vệ phòng không nhà máy và các đơn vị bạn.

Để có sự phối hợp chặt chẽ trong chiến đấu, ban chỉ huy quân sự địa  phương đề ra phương án: Khi tổ trực chiến phát hiện máy bay địch cách nhà máy Supe, ga Tiên Kiên và các xã lân cận 40 – 50km thì nhà máy phát lệnh báo động bằng cách kéo 2 hồi còi dài và khi máy bay ra khỏi khu vực thì báo yên bằng một hồi còi. Trong những năm địch đánh phá ác liệt, lực lượng tự vệ nhà máy còn được sự phối hợp chiến đấu của lực lượng phòng không quốc gia, song tiếng còi của nhà máy vẫn là hiệu lệnh chung. Trong các lần giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, lực lượng tự vệ của nhà máy đã 53 lần nổ súng đánh trả máy bay địch, phối hợp với lực lượng phòng không Quân khu và lực lượng phòng không quốc gia bắn rơi 5 máy bay Mỹ trên bầu trời Lâm Thao.

Ngày 27/11/1997, Bảo tàng Quân khu đã tiếp nhận chiếc còi điện của nhà máy do ông Hoàng Mạnh Tiến, thuộc Xí nghiệp cơ khí của Công ty chuyển giao phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đến tham quan, học tập.

Bài, ảnh: THANH TỎA

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai.